(HBĐT) - Nghệ nhân mo là người nắm giữ các bài mo, có nổ, có các đồ tế khí: Túi khót, gươm, giáo, các loại mũ, áo quần... và là người trực tiếp thực hành diễn xướng mo Mường.

 

Trong dân gian, người Mường gọi họ rất tôn kính là các thầi mo - thầy mo, pổ mo - bố mo, ông ậw - ông ậu... Trong đó, danh xưng thầy mo là phổ biến hơn cả. Các vị này đều là nam giới, chưa đâu có, chưa thấy đâu có phụ nữ làm thầy mo.

Bao đời qua, lời mo được truyền khẩu gắn liền với con người thực hành mo và lưu giữ trong truyền khẩu dân gian. Chỉ từ khi được sưu tầm, biên dịch, in thành sách, lúc này, lời mo mới tồn tại riêng rẽ ngoài con người. Bao lâu nay, khi nói đến mo Mường, người ta chỉ nói về lời mo chứ không nói đến môi trường, con người diễn xướng. Thế nên lời mo và nghệ nhân mo giữ vai trò quan trọng nhất trong di sản mo Mường.

Hiện nay, trong tỉnh ta có nhiều cách phân định dân gian khác nhau. Riêng người Mường ở huyện Lạc Sơn, thầy mo chỉ thực hiện nghi lễ trong các đám ma, còn các nghi lễ khác có các loại thầy khác như: tlượng, mỡi. Đặc biệt, trang phục thầy mo ở Lạc Sơn có loại mũ có sừng và mũ hình chóp chỉ sử dụng trong mo tang lễ.

ở các vùng Mường khác, nhất là ở huyện Cao Phong, Tân Lạc, các thầy mo không chỉ xuất hiện làm chủ tế trong tang lễ mà còn làm chủ tế trong các nghi lễ cầu mạnh khỏe bên ngoài đám tang. Mũ của họ dùng là mũ hình chóp và mũ đuôi én.

Những khác biệt trên đây thực chất là sự biến đổi qua các vùng địa phương, bản chất vẫn là mo Mường. Khi thực hiện các nghi lễ họ vẫn sử dụng túi khót, quạt và các trường đoạn có trong lời mo.

Theo điều tra thống kê của Sở VH-TT&DL năm 2015, trong toàn tỉnh có hơn 200 nghệ nhân mo Mường và đa số họ còn đang thực hành di sản.

Thầy mo là người đứng ra làm chủ tế trong các nghi lễ đám ma cổ truyền, một số nghi lễ cầu mạnh khỏe, lễ hội dân gian của người Mường, có vai trò chủ trì các nghi lễ, diễn xướng các bài mo, giúp gia đình có tang trấn an, trừ tà để người sống an lòng, không hoang mang, lo sợ trước cái chết, vững tâm để lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống... Nói cách khác, các nghệ nhân mo trong lịch sử cho đến ngày nay đều là những người có vai trò như điểm tựa tinh thần trong các cộng đồng người Mường trước các biến động của cuộc sống. Đa số họ mang trong mình vai trò và trọng trách tự nhiên rất tích cực. Tuy nhiên, trong số đó cũng có những người có những hạn chế nhất định. Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng xấu đến mục đích, tôn chỉ của nghề mo.

Nghề mo là chỉ chung những thầy mo sinh sống bằng công việc đi làm mo. Đã gọi là nghề thì phải có công cụ, nghề mo cũng không đứng ngoài quy luật đó. Có thể chia công cụ hành nghề của thầy mo thành 2 loại, loại thứ nhất là công cụ không thể cầm, sờ được, thầy mo phải nhớ trong đầu đó là các bài cúng, các bài mo. Loại thứ hai là đồ vật được cầm, khoác lên người khi hành lễ hay khi cần dùng trong hành nghề. Theo như ngày nay gọi là công cụ phi vật thể và vật thể.

Một đám ma cổ truyền ít nhất cũng phải có 2 ông mo làm chủ tế, một ông thầy cả và một ông mo đổi. Trong tang lễ các nhà lang - đạo, quý tộc Mường ít nhất phải có 3 ông thầy, trong đó có mo ká - mo cả, mo pèl - mo bèl, mo zỏi - mo dói…

Qua tìm hiểu có thể nhận thấy rằng, một người muốn trở thành thầy mo phải hội đủ các yếu tố sau:

1- Phải thuộc các bài mo, các bài cúng khấn… biết cách bày biện các mâm lễ, đồ lễ thích ứng với từng nghi lễ trong đám ma.

2 - Phải có đầy đủ các đạo cụ, đồ tế khí của nghề mo như: khót, khénh (chuông đồng nhỏ), kiếm hoặc gươm, trang phục…

3 - Phải có nổ thân thư: Có các đời cha, ông đã từng làm nghề mo. Thầy mo càng có nhiều đời người làm mo thì càng được dân gian tôn sùng và đánh giá cao về năng lực "pháp thuật”, dân gian Mường còn gọi là các dòng mo. Nếu các ông mo tự học không có nổ phải đi mượn nổ các dòng mo khác mới hành nghề được.

Trong các yếu tố kể trên, quan trọng nhất là phải thuộc các bài mo, cúng… Có nghĩa là phải học. Chuyện các ông mo muốn tự tôn mình lên đã tự thêu dệt hay đưa đẩy cho người thân của mình thêu dệt nên những câu chuyện nhuốm màu sắc huyền hoặc như là ông ta làm nghề mo không cần học, cứ hàng đêm trong giấc mộng có ông cụ (đại loại là nhân vật huyền bí hay người quá cố đã từng làm nghề mo nào đó…) đến dạy cho biết, thuộc các bài mo, cúng...

Thực ra không đúng như vậy, nghề mo cũng phải học. Những người có cha, chú làm nghề mo, tlượng… việc học có phần đơn giản và thuận lợi hơn vì họ được trực tiếp truyền nghề. Những người không có điều kiện như trên phần đa là người có tư chất thông minh, bộ óc mau nhớ, nhớ lâu. Khi đi đến các đám ma, họ chịu khó lắng nghe, học hỏi dần rồi cũng biết, cũng thuộc các bài mo… Có nhiều người bán trâu, bò, bán của cải trong nhà đi để học nghề mo.

Công cụ vật thể sử dụng, các đồ tế khí dụng trong hành nghề của thầy mo Mường rất phong phú, mỗi vùng mường có khác nhau bao gồm: trang phục, gươm, kiếm, giáo... Đặc biệt là túi khót chứa trong đó những vật lạ, những công cụ thời xa xưa. Mỗi vật là một biểu tượng sức mạnh phò trợ thầy mo trong công việc.

Trang phục thầy mo Mường, đặc biệt là chiếc mũ rất đặc biệt. ở vùng Lạc Sơn, các thầy mo khi tiến hành chủ tế các nghi lễ mo trong tang lễ họ đội chiếc mũ tạo hình hai chiếc sừng bò tót hướng về phía trước rất oai linh. Trên mũ màu đỏ và dải mũ được thêu trang trí những con linh vật như: Rùa, rồng, phượng, chim, cá... Các hình linh vật thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của người Mường. Theo các nhà khoa học, nhiều khả năng chiếc mũ có sừng thầy mo Mường ở huyện Lạc Sơn có mối liên hệ với hình vẽ trong hang Đồng Nội ở xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy. Đó là sự tôn sùng sức mạnh của hoang thú trong tự nhiên và khát khao chế ngự chúng phục vụ cho đời sống con người.

(Còn nữa)

 

                                                                                 Bùi Huy Vọng

                                                         (Xóm Bưng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn)

                                                                                                                                                   

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục