Sắc màu thổ cẩm.

Sắc màu thổ cẩm.

(HBĐT) - Có thể nói mỗi người con gái Thái là một nghệ nhân tài hoa. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, vẻ đẹp thiên nhiên, sinh hoạt hàng ngày được khắc họa sinh động.

 

Người Thái là một dân tộc thiểu số có dân số khá đông, sinh sống lâu đời ở Tây Bắc. Trong quá trình phát triển, người Thái đã hình thành nên một nét văn hoá riêng của mình rất đa dạng. Trải qua các cuộc thiên di trong lịch sử, dân tộc Thái có mặt ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm với nghệ thuật trang trí rất phong phú và độc đáo, những nét hoa văn sắc màu rực rỡ, bền đẹp.

 

Con gái Thái từ 6, 7 tuổi đã được làm quen với bông, sợi, được mẹ dạy thêu thùa, dệt vải. Đến độ mười bốn, mười lăm công việc này đã trở nên thành thạo. Bởi việc biết dệt vải, thêu thùa là tiêu chuẩn, tất yếu của con gái Thái: “Gái phải biết làm vải, trai phải biết đan chài”. Những ngày lễ hội là dịp để các cô thi thố tài năng thêu thùa của mình. Nhìn vào tấm khăn, chăn màn của cô gái, các chàng trai đánh giá được sự chăm chỉ, khéo léo của người mình yêu. Mỗi khi các cô gái ngồi vào khung cửi, mỗi hoa văn, họa tiết như có hồn, lung linh sống động: “Úp bàn tay thành hình muôn sắc/Ngửa bàn tay thành hoa muôn màu”. Có thể nói, mỗi người con gái Thái là một nghệ nhân tài hoa. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, vẻ đẹp thiên nhiên, sinh hoạt hàng ngày được khắc họa sinh động.

 

Theo các nhà nghiên cứu, có tới trên ba mươi loại hoa văn, hoạ tiết được thể hiện sống động trên thổ cẩm, trang trí nhà cửa của người Thái, trong đó hai hoạ tiết chính trên thổ cẩm của người Thái là hình cây rau bợ (phắc ben) và búp cây guột (kho cút). Đó là hình tượng của hai loại rau rất quen thuộc của người Thái. Hai loại rau này vừa nuôi sống con người, nhưng hơn thế nữa nó là biểu tượng của sự thích nghi, chống lại sự hà khắc của thiên nhiên cho nên trong chiếc khăn piêu (của phụ nữ) và khăn tay (của nam giới) thì đều phải có hai hoạ tiết này để trang trí.

 

Ngoài hai hoạ tiết chính, trên thổ cẩm Thái còn rất nhiều loại hoạ tiết và hoa văn khác. Lấy thiên nhiên làm hình mẫu, thổ cẩm của người Thái không khác nào cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Đó là những hình thoi như quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt trắng xoá, đây đó những chùm hoa buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo, cây guột… Thế giới động vật cũng được phản ánh trên thổ cẩm rất đa dạng, sự xuất hiện của các con vật không chỉ để trang trí mà còn biểu hiện ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng nhất định. Trong tín ngưỡng của người thái thuồng luồng được coi là vị thần sông nước, còn trong các câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại của người Thái thì thuồng luồng hiện thân là một chàng trai tài giỏi, khí phách hiên ngang, luôn giúp đỡ mọi người. Con thuồng luồng còn thể hiện tình cảm, ước mơ và lòng vị tha cao thượng của người mẹ, người vợ luôn thủy chung, con rái cá tượng trưng cho tình yêu sắt son, chung thuỷ, gia đình hạnh phúc, những con bướm, con chim cũng được sử dụng để tôn thêm cái đẹp…

 

Hình tượng con khỉ thường được thêu trên chiếc địu, chăn, quần áo dành cho trẻ em. Giải thích nguyên nhân của việc này, người Thái có câu chuyện kể rằng: Vào một năm trời hạn hán, đói kém, bản Thái rơi vào cảnh cùng cực, có gia đình nọ đông con, trong một lần làm cơm mới cúng tổ tiên, vì đói nên những đứa con đã bốc ăn mà quên không rửa tay. Bà mẹ thấy vậy đã lấy đũa đập vào tay các con có ý nhắc nhở. Bất ngờ những đứa con hoá thành khỉ chạy vào rừng. Từ đó, ngày nào bên khung cửi bà mẹ cũng dệt những hoa văn hình khỉ để vơi nỗi nhớ thương con.

 

Trong mỗi bông hoa hoặc thế giới động vật thu nhỏ cũng có hoa đực, hoa cái, con trống, con mái, âm dương hài hòa, mỗi hoa văn họa tiết đều mang một ý nghĩa sâu xa, là kết quả của quá trình hình thành và phát triển xã hội. Nó không chỉ phản ánh quan niệm và thị hiếu thẩm mỹ mà ít nhiều còn phản ánh quan niệm và luật tục của xã hội, làm nổi bật chủ thể - con người giữa thiên nhiên hùng vĩ.

 

Trong nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái, màu sắc là linh hồn của người thêu, quyết định sự thành bại của mỗi một hình thêu hoa văn. Màu chủ đạo trên các sản phẩm là màu xanh của cây cối, màu đỏ, hồng, trắng, của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Màu đỏ sẫm được nhuộm bằng cánh kiến, màu đỏ tươi được ngâm sợi trong quả “xổm xét”, màu vàng do nghệ, vàng da cam từ rễ cây “ken”, màu tím ngâm trong nước lá “khẩu cắm” - đậu đen, và màu đen được tạo nên từ 2 lần nhuộm chàm, một lần củ nâu sau đó nhúng lại với nước chàm. Từ chất liệu của các loại thực vật có sẵn trong tự nhiên, dưới sự sáng tạo, khéo léo phối màu tạo nên vẻ tươi sáng, hài hòa, nhã nhặn mà không đơn điệu.

 

Những đường nét trang trí hoa văn còn thể hiện nét đẹp tâm hồn, tính cách của người phụ nữ Thái. Cô gái đang yêu thì không giấu nỗi bâng khuâng thường sử dụng những gam màu sáng làm chủ đạo. Những phụ nữ lớn tuổi thiên về gam màu trầm, đậm nét suy tư, đường nét rắn rỏi.

 

Trải qua bao năm tháng, nghệ thuật trang trí của người Thái vẫn được gìn giữ và phát huy, góp phần tạo nên một bản sắc văn hoá đặc thù. Ngày nay, nghệ thuật trang trí còn giúp cho đời sống của người Thái được cải thiện đáng kể. Thổ cẩm đã trở thành hàng hoá thời mở cửa. Những sắc màu, những hoa văn, hoạ tiết được các cô gái Thái thổi hồn trên thổ cẩm, đã giới thiệu với đồng bào cả nước và bè bạn năm châu văn hoá của người Thái, lấp lánh, lung linh như núi ngàn Tây Bắc.

 

 

 

                                                                            HBĐT tổng hợp

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục