Các đại biểu thảo luận về giá trị của di sản mo Mường tại buổi gặp mặt lãnh đạo tỉnh và đại biểu đại diện nghệ nhân mo dân tộc Mường tỉnh năm 2014.  Ảnh: P.V

Các đại biểu thảo luận về giá trị của di sản mo Mường tại buổi gặp mặt lãnh đạo tỉnh và đại biểu đại diện nghệ nhân mo dân tộc Mường tỉnh năm 2014. Ảnh: P.V

(HBĐT) - Từ việc tiếp cận trực quan nhiều lễ mo tang rồi suy ngẫm, rút ra những giá trị tinh túy và ý nghĩa sâu sắc trong lễ Mo tang của người Mường, chúng tôi nhận thức được mo thuộc loại nghi thức vòng đời; là nghi thức được tổ chức trong đám tang. Mo là một kho bách khoa của người Mường về lịch sử, địa lý, nhân học, triết học, văn hóa, nghệ thuật diễn xướng mang tính sân khấu dân gian. Âm nhạc, múa, mỹ thuật, kiến trúc, thi ca, văn hóa ẩm thực...

 

Phong tục tập quán, các nghi thức, lễ thức tâm linh tín ngưỡng được thành kính, ngưỡng mộ và hướng dẫn khá đầy đủ cho hồn người quá cố trong tang lễ của người Mường. Mo cũng nhằm an ủi, động viên thân gia giữ trọn tình, trọn nghĩa với người thân quá cố. Mo đã tạo nên một bản trường ca bất hủ, hàng vạn câu thơ, tích lũy vào mo gần như đầy đủ các thần thoại anh hùng văn hóa của dân tộc Mường.

 

Phần lớn các thầy mo là thuộc dòng dõi cha truyền con nối. Có những dòng tộc con cháu kế nghiệp tới 8 - 9 đời. Bản thân thầy mo cũng là một tấm gương về đức hiếu học, chủ yếu là học truyền ngôn, truyền miệng.

 

Ông mo còn là một tri thức, một nhà văn hóa dân gian dân tộc. Ông mo là một kho tàng lưu giữ, truyền tải những nội dung, hình thức văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc; là một nhà tâm lý suốt đời tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, được nhân dân quý trọng.

 

Những thầy Mo tiêu biểu đã thực sự trở thành “Bảo tàng sống của dân tộc”, xứng đáng được Nhà nước và nhân dân tôn vinh là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.

 

Mo Mường qua các thời kỳ đã để lại cho chúng ta những giá trị tinh hoa văn hóa quý giá. Mo tang lễ là một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhưng những giá trị đó đang biến đổi nhanh chóng về nhiều mặt và cũng mất mát, mai một rất nhanh. Không gian thu hẹp, thời gian, nghi thức, lễ thức rút đi rất nhiều. Nhiều nội dung, hình thức, lễ thức mo cơ bản không đủ thời gian để trình bày. Tình trạng mỗi thầy mo tùy hứng cắt bỏ một phần, một đoạn lễ thức, nghi thức là khá phổ biến. Trang phục, khí lễ cũng không đầy đủ. Không có dàn nhạc, không có các điệu múa phối hợp. Trang trí mỹ thuật sơ sài. Văn hóa ẩm thực dâng cúng cũng không theo phong tục, quy phạm truyền thống. Phần diễn xướng ca từ đời người cũng không được trình bày xuất phát từ đáy lòng thầy mo nên sức truyền cảm bị giảm sút.

 

Nhiều đám tang trước đây đồ phúng viếng bằng lợn, gà, rượu, bánh...  nay thay bằng tiền. Đưa người quá cố ra nghĩa trang không dùng đòn khiêng với nhà táng, nhà xe; thay vào đó là quan tài được chở bằng ô tô. Nhiều gia đình đã xây mồ gắn ảnh và ghi tên tự ngày, tháng, năm sinh, ngày, tháng, năm mất thay cho 6 hòn đá đặt quanh mồ.

 

Quan sát trực tiếp và suy ngẫm ta nhận thấy còn nhiều lễ thức, nghi thức, tục lễ tang ma và mo lễ tang đã biến đổi nhanh chóng. Sự biến đổi lại là thuộc tính của văn hóa. Do vậy phải bằng những chủ trương, chính sách quản lý và với tâm huyết của những nhà sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn  phát huy những di sản văn hóa truyền thống, trong đó có di sản văn hóa mo lễ tang.

 

Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với nhân dân hướng thiện, nhân văn, tiến bộ”. Nhưng bảo tồn  phát huy di sản văn hóa mo Mường theo chúng tôi, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, quốc gia là phải bảo tồn tất cả. Vì sự hiểu không thấu đáo thuật ngữ bảo tồn nên một số vùng đã dỡ bỏ những đền, chùa vốn là những di sản quý báu của quốc gia rồi thay thế vào những kiểu dáng kiến trúc khác, lạ lẫm. Kết quả là không được nhân dân đồng tình, Nhà nước yêu cầu phải dỡ bỏ và tu bổ lại như nguyên gốc của di sản. Phát huy là tạo cho di sản sáng rõ hơn, có sức truyền cảm mạnh mẽ để có thể kế thừa phát triển góp phần “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và giáo dục tư tưởng, tình cảm, tâm lý, đạo đức, nhân cách con người mới hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững quê hương đất nước. Còn kế thừa và phát triển mo Mường như thế nào hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào bàn đến, đặt ra.

 

Chưa đi sâu phân tích nội dung, hình thức, lễ thức cơ bản như thể loại, kết cấu, bố cục, ngôn ngữ, trang phục các điệu múa. Kết cấu giai điệu, phối khí của âm nhạc. Hình khối, màu sắc và tính chất biểu hiện các phong tục, luật tục của trang trí mỹ thuật. Nội dung, hình thức và những kỹ thuật của các lễ thức mo lễ tang Mường. Cần phải tập trung điều kiện, tâm thức nghiên cứu khoa học, sâu, đầy đủ mới có cơ sở để phát triển phù hợp với sức sống, hơi thở và yêu cầu của thời đương đại.

 

Trước đà phát triển nhanh chóng về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... chủ động mở rộng hòa nhập quốc tế. Nhịp độ cuộc sống đòi hỏi phải tăng năng suất, hiệu xuất lao động. Tiết kiệm thời gian, chắc chắn không thể dành nhiều thời gian cho nghi lễ mo tang. Tang lễ còn liên quan đến việc bảo vệ vệ sinh môi trường. Tất yếu các thầy mo và gia đình phải thống nhất chọn lọc và rút ngắn để có thể kế thừa các nghi thức, lễ thức, trình thức lễ mo tang nhưng rút ngắn những phần nào, kế thừa những lễ thức cơ bản nào trong lễ mo tang là việc rất khó khăn, phức tạp phải nghiên cứu khoa học, thấu đáo và sâu sắc mới có thể thống nhất được.

 

 

 

 

                  NSƯT Bùi Chí Thanh

              (SN 117, tổ 1, phường Chăm Mát)

 

 

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục