Nghệ nhân Mo Bùi Văn Lựng, xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (bên phải) chuẩn bị lễ phục cho lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2015.

Nghệ nhân Mo Bùi Văn Lựng, xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (bên phải) chuẩn bị lễ phục cho lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2015.

(HBĐT) - Trong thiết chế xã hội cổ truyền của dân tộc Mường, mỗi xóm, bản đều có những người được coi là thủ lĩnh tinh thần và rất am hiểu phong tục, tập quán truyền thống dân tộc gắn với nghi lễ trong cuộc sống. Đó chính là ông Mo được ví như những người “giữ lửa” cho dân tộc Mường.

 

Để tìm hiểu thực tế vai trò của ông Mo trong đời sống dân tộc Mường, chúng đến thăm nghệ nhân Mo Bùi Văn Lựng, xóm Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc), nơi được coi là một trong 4 vùng Mường cổ lớn nhất của tỉnh (Mường Bi). Vào những ngày cuối năm, ông Lựng dường như bận rộn hơn. Trong làng việc lớn, việc nhỏ đều có mặt ông. Vì theo quan niệm của người Mường, ông Mo là người có uy tín, am hiểu phong tục, luật lệ của bản Mường nên được người dân coi trọng, tin tưởng và thường tới xin ý kiến về những việc cần phải khuyên nhủ, phân xử trong cuộc sống thường ngày. Trong ngôi nhà sàn thoáng rộng, ngoài những vật dụng gia đình, ông Lựng treo trên tường 4 chiếc túi hành nghề riêng biệt dành cho các nghi lễ khác nhau. Nâng niu chiếc túi chuẩn bị Mo trong lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2015, ông cho chúng tôi xem bộ lễ phục ông thường mặc gồm 1 chiếc mũ màu xanh, áo lụa đen và chiếc quạt. Ông Lựng chia sẻ: ông đến với nghề Mo như một cơ duyên. Từ nhỏ  đã thích nghe Mo, đến năm 25 tuổi, ông chính thức theo học nghề và năm 27 tuổi bắt đầu hành nghề Mo. Theo ông Lựng, Mo Mường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mường. Người Mường không có chữ nên đã sáng tạo ra Mo để kể lại cho con cháu nghe về quá trình đẻ đất - đẻ nước, sự hình thành loài người với hàng chục ngàn câu thơ, câu văn vần qua các bài Mo, áng Mo, roóng Mo. Nội dung các áng Mo Mường gắn liền với đời sống tâm linh và thể hiện quan niệm nhân sinh quan, vũ trụ quan và lịch sử phát triển của dân tộc. Qua đó thể hiện sự cấu kết cộng đồng, yêu hòa bình, hướng thiện, luôn ước mong hướng tới một tương lai tốt đẹp... Từ năm 2002 đến nay, ông Lựng cũng là người duy nhất Mo trong lễ hội Khai hạ Mường Bi được tổ chức vào mồng 8 âm lịch hàng năm. Trong lễ hội đầu xuân, ông Mo cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, con người mạnh khỏe. Vừa nói ông vừa đọc cho chúng tôi nghe những lời Mo được truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Dịch ra lời Mo với nội dung chủ yếu như: “…Cầu cho con người trong Mường, trong bản mạnh khỏe, ăn nên làm ra. Đắp đập, đắp đê ở đâu mưa thuận, nắng hòa không cho vỡ đập, vỡ đê, làm màu cho tươi tốt. Con người mạnh khỏe. Đi  nước trong, nước ngoài, đường xa, đường dài đi được đến nơi, về đến chốn. Đi như ong khoái lại như ong mật…”…

 

Có thể thấy vai trò của ông Mo gắn liền với vòng đời của con người. Từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, ông mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Khi đau yếu, lạc vía, mo làm vía mụ sao cho trẻ được khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh. Tuổi trưởng thành khi đau yếu, mo làm vía giải hạn, trừ tà ma. Vai trò của ông Mo còn thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu. Hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an. Đến tuổi già sức cạn, Mo làm lễ kéo si mong cho sức khỏe, minh mẫn sống lâu cho con cháu được nhờ. Khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường trời, ông Mo đóng vai trò là đại diện cho người chết tiến hồn ma sang thế giới bên kia. Trong thời kỳ kháng chiến, ông Mo đã đứng lên tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh chống đế quốc xâm lược. Trong công cuộc xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới, những ông Mo có vai trò vận động nhân dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở KDC”, chống lại các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội. Ngày nay, vai trò của ông Mo ngày càng thể hiện rõ nét hơn qua các lễ hội cộng đồng như: lễ hội Khai hạ Mường Bi, lễ hội đánh cá (Tân Lạc); lễ hội Đình Cổi, lễ hội Đu Vôi, lễ hội hang Khụ Dúng (Lạc Sơn) đến các ngày lễ lớn của tỉnh như: Ngày hội văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình; lễ kỷ niệm ngày thành lập tỉnh; Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc Tây Bắc...

 

Thấy được giá trị của Mo trong đời sống người Mường, từ những năm của thế kỷ XX đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Trong những năm gần đây, tỉnh đã có sự quan tâm đầu tư cho công tác sưu tầm, phục dựng và kiểm kê Mo Mường. Kết quả kiểm kê, toàn tỉnh còn khoảng 278 ông Mo còn sống và hành nghề ở các vùng Mường trong tỉnh. Đặc biệt, cuối tháng 10/2014, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức cuộc gặp mặt 89 đại diện nghệ nhân Mo dân tộc Mường toàn tỉnh. Điều này thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với những người “giữ lửa” cho dân tộc - đó là những nghệ nhân Mo của dân tộc Mường. Hiện nay, cùng với văn hoá cồng chiêng, Mo Mường đang được các ngành chức năng lập hồ sơ đề nghị Bộ VH -TT&DL công nhận di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của Hoà Bình và đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia, từng bước đề nghị Unesco công nhận là di sản văn hoá nhân loại.

 

 

                                                                            Hương Lan

 

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục