In

Ngày làm việc thứ 9, đợt 2, Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV: Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021

Cập nhật: 12/11/2020
(HBĐT) - Ngày 12/11, buổi sáng, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và tiến hành công tác nhân sự.

Đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ sáng 12/11.

Thảo luận tổ về Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tại Tổ đại biểu số 05, đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu: Trước hết, tôi tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây là cơ sở pháp lý để điều chỉnh những vấn đề liên quan đến bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tại Điều 17, quy định về việc cho nghỉ khi mất uy tín của lực lượng này, tôi đề nghị quy định mất uy tín với Nhân dân chứ không phải là mất uy tín trong nhóm, trong tổ. Tại Điều 19, tôi đề nghị quy định rõ hơn việc đảm bảo kinh phí cho hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, do ngân sách Nhà nước hay do người dân đóng góp. Trong dự thảo Luật quy định "Do UBND cấp xã xác định đạo đức…” là khó thực hiện. Trên thực tế hiện nay, UBND cấp xã chỉ xác nhận gia đình văn hóa. Vấn đề này cần nghiên cứu thêm. Tại Điều 22, quy định lực lượng này có trụ sở làm việc do UBND xã bố trí thì rất bất cập vì có những xã điều kiện KT-XH khó khăn, kinh phí ít thì không thể bố trí được. Tôi đề nghị quy định dùng Nhà văn hóa để làm nơi làm việc của lực lượng này.

Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu: Tôi đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, đề nghị cần rà soát, đối chiếu với Pháp lệnh Công an xã để tránh chồng chéo và cần thiết kế bố cục, nội dung hợp lý. Đồng thời, cần cân nhắc đến chế độ, chính sách của lực lượng này. Hiện nay, những người làm công tác tại thôn, xóm, bản, tổ dân phố chỉ được hưởng một khoản phụ cấp rất thấp, chỉ hơn 1 triệu đồng nên nhiều người không muốn tham gia, họ tham gia do nhiệt tình và tính cộng đồng mà thôi chứ không phải tham gia vì thu nhập. Đề nghị nghiên cứu quy định về số lượng của lực lượng này, vì nếu Luật có hiệu lực thì số lượng của lực lượng này lên tới hơn 1.500.000 người. Tôi đề nghị xác định rõ địa vị pháp lý của lực lượng này trong dự thảo Luật. Đồng thời, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này và lực lượng này là do tự nguyện hay không?. Việc quy định kinh phí hoạt động, chế độ chính sách liên quan đến lực lượng này mà giao cho chính quyền địa phương thì không khả thi vì thêm gánh nặng cho ngân sách địa phương. Đề nghị cần cân nhắc quy định việc thẩm quyền của chính quyền địa phương quyết định số lượng, kinh phí hoạt động, chế độ chính sách của lực lượng này.                                                             

Buổi chiều, QH họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021. Sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020, dự toán NSNN năm 2021, các ĐBQH đã tiến hành nhấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2021 chính thức được thông qua với 92,53% ĐBQH tán thành. Tiếp đó, theo chương trình, QH họp riêng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sau đó, QH thảo luận ở hội trường về nội dung trên và dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

 Phan Thanh Nga (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh) - P.V (TH)