Thành phố Hòa Bình hôm nay.
Gần 4 thập kỷ kể từ ngày dòng điện hòa lưới quốc gia, thành phố Hòa Bình hôm nay đã khoác lên mình diện mạo khác: trẻ trung, hiện đại và đầy khát vọng. Từ một thị xã nhỏ bé ven sông Đà, thành phố đã trở thành trung tâm hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh, nỗ lực vươn mình để xứng đáng là đầu tàu phát triển vùng Tây Bắc.
Đầu năm 2025, thành phố Hòa Bình chính thức được công nhận là đô thị loại II sau hành trình bền bỉ và nhiều quyết tâm. Từ mốc thị xã cũ được nâng cấp năm 2006, đến sự kiện sáp nhập toàn huyện Kỳ Sơn năm 2020, rồi loạt hạ tầng chiến lược như cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, cầu Hữu Nghị, cầu Thống Nhất, các khu đô thị mới, tuyến đường huyết mạch kết nối vùng lõi và quốc lộ... đã biến thành phố Hòa Bình thành một đô thị năng động, hiện đại, diện tích gần 350 km², với 19 đơn vị hành chính.
Không chỉ có hạ tầng giao thông "băng núi vượt sông”, mà diện mạo đô thị cũng thay đổi ngoạn mục: khu trung tâm hành chính mới, khu đô thị Quỳnh Lâm, Quảng trường Hòa Bình với tháp đồng hồ và đảo hoa rực rỡ, đèn LED nghệ thuật lung linh bên cầu Hữu Nghị… tất cả dệt nên một thành phố Hòa Bình vừa lộng lẫy, vừa đậm chất bản địa. Ở đây, ánh sáng không chỉ đến từ nhà máy thuỷ điện, mà còn phát ra từ mỗi góc phố, từng nụ cười tự hào của người dân trong thành phố đổi thay từng ngày.
Hạ tầng đi trước, kinh tế theo sau. Thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình gần 12%/năm trong ba năm gần nhất. Theo đồng chí Phạm Anh Quý, Chủ tịch UBND thành phố Hoà Bình, hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt trên 80 triệu đồng, cao gấp 1,5 lần trung bình cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,38%, gần như không còn nhà tạm. Hơn 82% lao động đã chuyển sang khu vực phi nông nghiệp, cho thấy nền kinh tế đô thị đã thành hình rõ nét. Từ một thị xã gắn với "cái nôi của ánh điện”, giờ đây một thành phố thông minh đang thành hình, nơi gần 50% thủ tục hành chính đã được giải quyết trực tuyến ở mức độ 4…
Thành phố Hòa Bình hôm nay tự tin bước những bước vững chãi trên hành trình phát triển bền vững. Với định hướng trở thành đô thị sinh thái, văn minh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, thành phố không ngừng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường dịch vụ thông minh và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Ông Đỗ Bá Mạnh, một công dân của tổ 12, phường Tân Thịnh từng chứng kiến bao đổi thay của thành phố ven sông, nay đã chạm ngưỡng 80 tuổi. Ông bộc bạch: Giữa nhịp sống đô thị mới, những giá trị xưa cũ vẫn được gìn giữ, nâng niu. Văn hóa Mường được đưa vào trường học, vào bảo tàng, vào đời sống mỗi ngày. Những điệu chiêng, câu thường rang, bọ mẹng trong lễ hội dân gian vẫn vang lên giữa lòng phố mới, như những sợi chỉ đỏ nối quá khứ - hiện tại.
Trên con đường mới mở, dưới những tán cây vừa được trồng, bên ánh đèn đêm dịu dàng soi mặt nước Đà Giang, thành phốHòa Bình đang bước đi những bước bình thản nhưng đầy quyết tâm và nỗ lực. Thành phố đổi thay từng ngày, nhưng niềm tin vào con người, vào quê hương, vào một tương lai xứng đáng với quá khứ vẫn luôn ở lại, nguyên vẹn trên từng con phố, từng nhịp cầu và trong từng ánh mắt người dân nơi đây.
Có những nơi ánh sáng chỉ để nhìn rõ con đường. Nhưng ở thành phố Hòa Bình, ánh sáng còn là ký ức, là khát vọng, là niềm tin đã thắp lên và sẽ còn cháy mãi.
Minh Vũ