Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Đau thắt lưng - hội chứng phổ biến nhưng ít được chú ý

Thứ bảy, 24/5/2025 | 9:56:51 Sáng

Từng được xem là "chuyện thường tình", đau thắt lưng đang trở thành một vấn đề y tế đáng báo động, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi - nơi người dân lao động nặng nhọc nhưng ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên sâu.


Bệnh nhân được bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn bài tập phục hồi chức năng chữa đau thắt lưng.

Cơn đau bị bỏ quên ở người dân

Tại tỉnh Hòa Bình, nơi phần lớn người dân, đặc biệt ở vùng khó khăn mưu sinh bằng nghề nông và lao động thủ công, tình trạng đau thắt lưng diễn ra phổ biến nhưng ít được ghi nhận và điều trị đúng cách. Nhiều người coi cơn đau lưng là dấu hiệu "lão hóa bình thường", hoặc chỉ sử dụng mẹo dân gian để giảm đau tạm thời.

Một khảo sát gần đây của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại các xã khó khăn thuộc 5 huyện trong tỉnh cho thấy, có tới 92,7% người trưởng thành từng bị đau thắt lưng trong 12 tháng gần nhất, nhưng 76,1% trong số đó chưa từng đi khám, phần lớn cho rằng "sẽ tự khỏi" hoặc "không đáng ngại". Tình trạng này đặt ra thách thức không nhỏ cho hệ thống y tế cơ sở trong việc phát hiện sớm, tư vấn đúng và điều trị kịp thời cho người dân.

Không chỉ là bệnh của tuổi già 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 60 - 70% dân số toàn cầu sẽ trải qua ít nhất một lần đau thắt lưng trong đời. Ở Việt Nam, nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (năm 2020) ghi nhận: gần 80% trường hợp đau cột sống là do nguyên nhân cơ học như lao động sai tư thế, bê vác nặng. Đau thắt lưng chiếm tới 30 - 40% tổng số bệnh cơ xương khớp tại tuyến huyện.

Đáng chú ý, những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất lại là những người đang đóng vai trò quan trọng trong kinh tế gia đình: Lao động nông, lâm nghiệp; phụ nữ trung niên; người dân vùng sâu, vùng xa, ít tiếp cận chăm sóc y tế.

Từ triệu chứng nhẹ đến gánh nặng xã hội

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, đau thắt lưng có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng: Mất khả năng lao động, ở nhóm đau mạn tính thì tỷ lệ không thể quay lại công việc sau 6 tháng là rất cao, điều này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập cá nhân mà còn tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. 
Gây tổn thương cột sống, các biến chứng thường gặp bao gồm thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, hẹp ống sống... Nghiên cứu tại Hòa Bình ghi nhận trong 2.202 người đau thắt lưng có 14,2% bị thay đổi đường cong sinh lý cột sống, 8,4% bị chèn ép rễ thần kinh, 3,6% có dấu hiệu teo cơ; nhiều trường hợp nhờ chương trình khám đã phát hiện bệnh (thoát vị đĩa đệm, u tủy, trượt đốt sống…) và phải nhờ can thiệp phẫu thuật mới trở lại cuộc sống bình thường.

Nguy cơ tê liệt, tàn phế: Chèn ép dây thần kinh kéo dài có thể dẫn tới tê liệt chi dưới, mất khả năng vận động. Đặc biệt ở người cao tuổi, tình trạng này làm tăng nguy cơ ngã, gãy xương và tàn phế kéo dài.
Ảnh hưởng tâm lý - xã hội: Theo một nghiên cứu tại Việt Nam năm 2015, gần 40% bệnh nhân đau thắt lưng cảm thấy bị "giam hãm” trong cuộc sống hằng ngày. Cảm giác đau mạn tính kéo dài gây lo âu, trầm cảm, cô lập xã hội, làm giảm chất lượng sống rõ rệt.

Y tế cơ sở, tuyến đầu chống lại đau thắt lưng: Trong điều kiện thiếu hụt bác sỹ chuyên khoa, các trạm y tế xã đang đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện và kiểm soát đau thắt lưng. Nhiều cơ sở đã tích cực khám sàng lọc sớm, phát hiện các dấu hiệu cảnh báo; tư vấn tư thế sinh hoạt, lao động đúng cách; hướng dẫn bài tập phục hồi chức năng đơn giản; chuyển tuyến kịp thời khi nghi ngờ bệnh lý cột sống nặng.

Người dân cần chủ động hơn với sức khỏe của chính mình. Các chuyên gia khuyến nghị, khi gặp các biểu hiện sau, người dân nên đi khám sớm: Đau lưng kéo dài trên 7 ngày; cơn đau lan xuống chân, gây tê yếu chi dưới; hạn chế vận động, cúi hoặc ngửa khó khăn. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống, tư thế lao động và chế độ dinh dưỡng là rất quan trọng: Không mang vác nặng khi không cần thiết; giữ tư thế đúng khi làm việc, sinh hoạt; tập giãn cơ nhẹ nhàng mỗi sáng; ăn uống đủ chất, bổ sung canxi tự nhiên; không đắp lá, xoa bóp dân gian không rõ nguồn gốc.

Đau thắt lưng không phải là dấu hiệu đơn giản của tuổi tác mà là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được nhận diện và kiểm soát. Việc nâng cao nhận thức người dân, tăng cường năng lực cho y tế cơ sở và đầu tư các chương trình can thiệp sớm, đặc biệt ở vùng khó khăn là chìa khóa để giảm thiểu hậu quả lâu dài của hội chứng âm thầm này.


TS.BS TRƯƠNG NHƯ HIỂN (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)