Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đề xuất nhóm chính sách ưu tiên để công nhân, người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội

Thứ bảy, 24/5/2025 | 5:00:53 Chiều

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 24/5, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.


Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội còn thiếu

Nhấn mạnh về nhà ở xã hội rất lớn và đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đề xuất dự thảo Nghị quyết với nhiều nội dung mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ, như: giao đất không qua cầu, rút gọn kỹ thuật đầu tư, hình thành Quỹ nhà ở quốc gia.

Bên cạnh đó, đại biểu nêu lên vấn đề, nguồn cung đang rất hạn chế và thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và hơn hết là người dân có nhu cầu thật khó tiếp cận được sản phẩm phù hợp.

Trong đó có thực trạng, công nhân, người thu nhập thấp vẫn đang phải sống trong điều kiện thuê nhà trọ kém chất lượng, không ổn định, có nơi phải trả mức với mức giá về cao, ảnh hưởng đến an sinh, hiệu suất lao động và sự phát triển bền vững của đô thị.

Để đảm bảo hiệu quả thực thi, đại biểu cho rằng dự thảo còn thiếu một "mảnh ghép" cốt lõi, đó là chính sách ưu tiên đặc biệt cho người dân mua nhà ở xã hội - là những người thụ hưởng trực tiếp và cũng là lực kéo quan trọng nhất cho thị trường nhà ở xã hội hiện nay.

Để sản phẩm nhà ở xã hội thực sự đến tận tay những người có thu nhập thấp, những công nhân lao động an cư lập nghiệp, đại biểu cho rằng còn những điểm nghẽn lớn cần được tháo gỡ.

Trước hết, người dân có nhu cầu thật lại khó tiếp cận được vốn vay, nhưng khi tiếp cận được vốn vay thì gánh nặng tài chính lại khá lớn. Đại biểu phân tích: "Điển hình như người mua nhà ở xã hội vay được 500 triệu đồng để mua một căn hộ trung bình với lãi suất là 4,8%/năm trong vòng 25 năm, hàng tháng họ phải trả là 3,7 triệu đồng, trong đó tiền lãi là chỉ khoảng 2 triệu đồng, chỉ còn lại 1,7 triệu đồng là tiền gốc. Nếu là công dân có mức lương đến 8 triệu đồng, họ chỉ còn lại 4,3 triệu đồng để xoay xở chi tiêu cho cả gia đình là rất khó khăn. Do đó, họ chọn phương án thuê nhà trọ để ở thay vì mua nhà ở xã hội”.

Bên cạnh đó là các điểm nghẽn về nguồn cung nhà ở xã hội vẫn lệ thuộc vào các nhà đầu tư nhưng doanh nghiệp lại e ngại vì thị trường đầu ra thiếu ổn định. Quy hoạch và quỹ đất triển khai nhà ở xã hội chưa đồng bộ, thủ tục hành chính còn khá rườm rà, phức tạp để các nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội. Các chính sách đã ban hành, chỉ thiên về hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, ít quan tâm đến khả năng mua vào xã hội của người dân.

Từ đó, đại biểu kiến nghị bổ sung vào Nghị quyết nhóm chính sách ưu tiên để hỗ trợ cho người thực sự muốn mua nhà ở xã hội. Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, nên cho vay ưu đãi dài hạn từ Quỹ nhà ở quốc gia hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời cấp bù lãi suất hoặc hỗ trợ giá thuê nhà, đơn giản điều kiện cho vay và có thể dùng căn hộ đó để làm tài sản đảm bảo. Chính sách này có thể triển khai ở các tỉnh, thành phố lớn có đông lực lượng công nhân lao động.

Cho rằng với nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế như hiện nay, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) đề xuất người có đất đang được quy hoạch là đất xây dựng kinh doanh được đầu tư nhà ở xã hội cho thuê. Như vậy sẽ bổ sung nhanh được nguồn này và đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội còn thiếu. Theo đại biểu phân tích, nhà ở xã hội có 2 loại là cho thuê và ở lâu dài, song xu thế của xã hội phát triển là cho thuê phổ biến hơn.

Một số đại biểu cho ý kiến về việc cắt giảm thủ tục hành chính trong dự thảo nghị quyết để đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án nhà ở xã hội. 

Về thủ tục, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị bổ sung cơ chế một cửa, một đầu mối để tránh chủ đầu tư phải đi hết sở này đến sở khác làm thủ tục. Cũng theo đại biểu, cần quy định luôn tổng thời gian cấp thủ tục cho các dự án nhà ở xã hội là 90 ngày, tránh tình trạng kéo dài, làm mất 18-24 tháng dẫn đến khó triển khai.

Để gỡ vướng mắc về giá, đại biểu đề xuất tách riêng giá bán và giá thuê mua nhà ở xã hội, đồng thời phân cấp cho chủ doanh nghiệp chủ động xác định giá, còn cơ quan quản lý chỉ tiến hành hậu kiểm.

Đề xuất cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư tham gia nhà ở xã hội

Giải trình làm rõ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước quan tâm, xác định việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ đã có đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Tuy nhiên thực tế 5 năm qua, trên cả nước mới có 679 dự án trong đó hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn, tương đương 15% mục tiêu. Riêng năm 2025, chỉ tiêu đặt ra là 100.000 căn nhưng đến nay mới được 15.600 căn hoàn thành, còn 19.492 căn khởi công, như vậy mới đạt 44% mục tiêu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Bộ trưởng, do vướng mắc ở thể chế, chính sách, quy trình, thủ tục, nên Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết để đề xuất các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư tham gia nhà ở xã hội.

Dự thảo Nghị quyết tập trung vào 2 nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất là quỹ; đối tượng; giá mua, thuê,…; điều kiện được hưởng chính sách. Nhóm thứ hai là cho các nhà đầu tư bao gồm các trình tự, thủ tục, quy trình thực hiện dự án.

Bộ trưởng nêu lên thực tế, nếu theo quy định hiện hành, để giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thông qua đấu thầu, riêng thực hiện trình tự, thủ tục có khi mất đến 300 ngày. Do đó, dự thảo Nghị quyết đã có nhiều quy định được lược giản, lồng ghép giúp giảm đáng kể thời gian làm thủ tục.

Về giá nhà ở xã hội, trước đề xuất cần quy định giá sàn, Bộ trưởng khẳng định không thể quy định theo giá sàn, tới đây sẽ có hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện; khi thiết kế xong mẫu nhà, Sở Xây dựng và Sở Tài chính địa phương sẽ phê duyệt giá dự toán. Giá nhà ở xã hội, theo Bộ trưởng, chỉ được vênh lên 10% so với dự toán. Nếu đưa giá sàn thì khó thực hiện vì mỗi nơi có đơn giá vật liệu khác nhau.


Theo TTXVN