Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong: Chăm sóc cây ăn quả có múi thời điểm giao mùa

Thứ ba, 7/9/2021 | 9:15:09 Sáng

(HBĐT) - Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, đây có thể xem là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh phát sinh và gây hại trên các loại cây ăn quả có múi (CAQCM). Vì vậy, nông dân huyện Cao Phong tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh nhằm bảo vệ diện tích canh tác, đảm bảo chất lượng quả khi thu hoạch.


Nông dân thị trấn Cao Phong (Cao Phong) tỉa cành tạo tán để bảo vệ cây ăn quả có múi khỏi sâu bệnh gây hại.

Bà Nguyễn Thị Hoa, hộ trồng cam VietGAP tại khu 6, thị trấn Cao Phong cho biết: Gần đây, do thời tiết mưa nhiều, đất ẩm nên gần 2 ha cam của gia đình bắt đầu xuất hiện rệp muội gây hại ở ngọn non, cuống lá, mặt dưới lá, cả ở những cây đang phát triển thân, lá và những cây đang phát triển quả; nếu không xử lý kịp thời, cây sẽ bị cỗi, vàng lá, ra hoa kém và dần dần chết. Do đó, khi vừa phát hiện, gia đình chủ động phòng trừ bằng cách dọn sạch tàn dư thực vật, tỉa cành tạo tán cây thường xuyên. Bên cạnh đó, phun thuốc trừ rệp sớm để tránh cây bị suy kiệt và chết. Sau 3 - 5 ngày phun thuốc nhắc lại cho đến khi hết sạch rệp. Ngoài những loại thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, gia đình còn sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ ngâm với rượu, sau đó pha với nước tùy nồng độ phù hợp để phun diệt rệp.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Cao Phong: Trên các diện tích CAQCM hiện nay, bệnh greening đang gây hại với tỷ lệ phổ biến 0,5 - 1% số cây, rải rác ở một số vườn. Bệnh vàng lá, thối rễ gây hại cục bộ với tỷ lệ hại trung bình 1 - 2% số cây, cá biệt có vườn tỷ lệ nhiễm cao 4 - 6% số cây; các bệnh chảy gôm, bệnh loét, ghẻ sẹo, các đối tượng thuộc nhóm nhện nhỏ (nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng), châu chấu… tiếp tục gây hại với tỷ lệ phổ biến.

Dự báo thời gian tới, nhóm nhện nhỏ, sâu vẽ bùa, rệp muội, châu chấu, bọ trĩ và các loại bệnh vàng lá, thối rễ, bệnh loét, ghẻ sẹo, chảy gôm… tiếp tục gây hại mạnh trên CAQCM giai đoạn phát triển thân lá, phát triển quả. Ngoài ra, do ảnh hưởng của các đợt áp thấp nhiệt đới, mưa kéo dài, có nguy cơ sẽ xảy ra hiện tượng nứt quả sinh lý, tập trung chủ yếu ở một số giống như: Cam V2, cam đường Canh, cam lòng vàng. Do đó, cần chủ động phòng trừ sớm để không làm ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị dinh dưỡng của quả.

Đồng chí Phan Sum An, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện cho biết: Để bảo vệ diện tích CAQCM dưới tác động của thời tiết giao mùa và các loại sâu bệnh gây hại, trung tâm tuyên truyền, vận động hộ trồng cam áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt quy định về bảo vệ môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp. Kịp thời khuyến cáo, chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ đối với các đối tượng dịch hại. Đồng thời, đề nghị các xã, thị trấn thông tin nhanh chóng tình hình sinh vật hại trên cây trồng tại cơ sở về trung tâm để phối hợp hướng dẫn, khuyến cáo nông dân phòng trừ.

Theo đó, nông dân các xã, thị trấn cần tích cực theo dõi vườn, tăng cường chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh giai đoạn phát triển quả, phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, không sử dụng phân bón, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam. Cần bổ sung canxi cho cây bằng các loại phân bón qua lá như: Canximax, CalciumNitrate, CalciBoAmin... nhằm giúp cây hấp thu nhanh nhất, sớm khắc phục hiện tượng thiếu hụt canxi cục bộ để hạn chế hiện tượng nứt quả sinh lý. Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số thuốc BVTV như: Comdagold 5WG, Ababetter 3.6EC; Abagold 38EC... để đối phó với nhóm đối tượng nhện nhỏ. Với bệnh vàng lá, thối rễ, cần thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện các triệu chứng điển hình của bệnh và xử lý kịp thời. Có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học bón hoặc hòa nước tưới vào gốc như: SH-Lifu (0,5 - 1 kg/gốc); PhytoPP (1,5 - 2 kg/gốc); Biocam (0,16 kg/gốc/lần)...


Thu Hằng