Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Thứ tư, 1/5/2024 | 8:42:08 Sáng

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

 


Với bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo và nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, huyện Cao Phong có nhiều lợi thế, cơ hội để phát triển du lịch. Ảnh: Đội chiêng trong lễ rước kiệu tại Lễ hội khai mùa Mường Thàng 2024.

Chúng tôi trở lại Mường Thàng - Cao Phong vào trung tuần tháng Tư lịch sử. Tại khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia địa điểm ghi dấu chiến công Anh hùng Cù Chính Lan (xã Bình Thanh) đón các đoàn khách là cựu chiến binh, học sinh ở nhiều địa phương đến tham quan, về nguồn. Đồng chí Lê Ánh Hồng, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bình Thanh chia sẻ: Tuổi trẻ xã nhà luôn tự hào, khắc ghi công ơn của các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc. Trong không khí khắp nơi sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng ngày giải phóng miền Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn viên, thanh niên trong xã tích cực tham gia các hoạt động thiết thực, ý nghĩa và không ngừng rèn luyện, phấn đấu góp phần vào công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương…

Đồng chí Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Ở từng giai đoạn lịch sử cách mạng của Cao Phong luôn gắn với truyền thống lịch sử quê hương Hòa Bình. Từ những năm tháng cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, huyện Cao Phong đã có những đóng góp đáng kể. Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo, nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, huyện tập trung khai thác lợi thế, cơ hội để phát triển du lịch. Trên địa bàn có 2 xã (Bình Thanh, Thung Nai) vùng lòng hồ sông Đà, thuộc khu du lịch hồ Hòa Bình. Bản du lịch cộng đồng xóm Mỗ, xã Bình Thanh còn lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn những nét truyền thống đặc trưng, đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Mường, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Các di tích danh thắng, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia như: quần thểhang động núi Đầu Rồng, thị trấn Cao Phong; địa điểm ghi dấu chiến công của Anh hùng Cù Chính Lan tại xã Bình Thanh; khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên…

Thành tựu KT-XH của huyện những năm gần đây đã cho thấy hướng đi đúng đắn trên hành trình phát triển. Nổi bật là trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng mía hàng hóa, cam và một số cây ăn quả khác. Toàn huyện có diện tích cây ăn quả có múi trên 1,7 nghìn ha. Trong đó, diện tích cây cam trên 1,3 nghìn ha; có 179 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn hiệu lực, sản lượng niên vụ 2023 - 2024 đạt trên 20.000 tấn. Bên cạnh đó, các lợi thế về cảnh quan, môi trường, sản phẩm nông nghiệp phát huy hiệu quả rõ nét. Tuyến đường tỉnh 435 lên hồ Hoà Bình đi qua xã Bình Thanh, Thung Nai hoàn thành cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác đã mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch vùng hồ. Kết cấu hạ tầng nội huyện, các đường trục dọc, trục ngang khu vực trung tâm huyện được quy hoạch, đầu tư mang lại diện mạo mới cho đô thị. Hệ thống đường liên xã kết nối từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ liên hoàn thúc đẩy giao thương, cải thiện dân sinh...

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện chia sẻ thêm: Thời gian qua, huyện Cao Phong tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và 3 đột phá chiến lược, gồm: phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện môi trường kinh doanh. Huyện định hình quy hoạch, kết cấu hạ tầng, sản xuất được đầu tư, du lịch bước đầu có những sản phẩm mới dựa trên cảnh quan, môi trường văn hóa, diện mạo nông thôn, chất lượng cuộc sống người dân chuyển biến sâu sắc. Việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, dịch vụ đạt được kết quả tích cực. Đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp với những sản phẩm chủ lực như cam, quýt, bưởi. Phát triển nuôi trồng thủy sản tại các xã vùng hồ Bình Thanh, Thung Nai; chăn nuôi nông hộ theo hình thức gia trại, trang trại góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân.

Đến nay, huyện có 7/9 xã về đích nông thôn mới, đang tập trung nguồn lực cho xã Thạch Yên, Thung Nai đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến hết nhiệm kỳ có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đồng thời quyết liệt chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế, giá trị đặc sắc của văn hóa Mường Thàng phục vụ phát triển KT-XH, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Thành An