Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học

Thứ hai, 12/4/2021 | 1:57:19 Chiều

(HBĐT) - Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Cao Phong, năm học 2019 - 2020, ở độ tuổi từ 15 - 18 tuổi, toàn huyện có 273/2.360 học sinh bỏ học (chiếm trên 11%). Trong đó, bậc THCS chiếm 2,4%, bậc THPT chiếm 8,6%. Trước thực tế trên, cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục huyện đã quyết liệt thực hiện các giải pháp để ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học.




Trường TH&THCS Đông Phong (Cao Phong) tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh bậc THCS nhằm định hướng, nâng cao tinh thần học tập cho học sinh.

Muôn vàn lý do rời xa mái trường

Trước năm học 2019 - 2020, trên địa bàn huyện, tỷ lệ học sinh bỏ học rất thấp, thậm chí không có. Tuy nhiên, năm học 2019 - 2020, học sinh bậc THCS và THPT bỏ học tương đối cao. Đa số học sinh bỏ học rơi vào khối lớp 9 và bậc THPT với nhiều lý do khác nhau, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục và công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn.

Đồng chí Lại Anh Long, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cao Phong cho biết: Tình trạng học sinh THCS và THPT bỏ học trên địa bàn huyện không phải do thiếu trường lớp, thiếu giáo viên. Nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp, ngành, cơ sở vật chất các cấp học được trang bị kiên cố, khang trang. Cấp ủy, chính quyền địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, năm học 2019 - 2020, huyện có 173 học sinh trong độ tuổi 15 - 18 bỏ học. Tình trạng học sinh bỏ học diễn ra tại tất cả các xã, thị trấn. Trong đó, nhiều nhất tại 2 xã khó khăn là Hợp Phong (92 học sinh bỏ học), Thạch Yên (43 học sinh). Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do gia đình khó khăn, nhiều em học hết bậc THCS phải nghỉ học phụ giúp gia đình làm kinh tế. Một số em học lực kém, không theo kịp chương trình học dẫn tới tâm lí chán nản rồi bỏ học. Đáng buồn hơn là một số bậc phụ huynh đi làm ăn xa nhà nên phó mặc toàn bộ việc giáo dục con em cho nhà trường, người thân dẫn tới việc bị bạn bè rủ rê bỏ học.

Chúng tôi đến xã Hợp Phong, nơi có số học sinh bỏ học nhiều nhất huyện. Theo thống kê, năm học 2019 - 2020, toàn xã có 92/476 thanh niên trong độ tuổi từ 15 - 18 tuổi bỏ học (chiếm 19,4%). Thầy giáo Nguyễn Thế Vinh, Hiệu trưởng trường TH&THCS Đông Phong (thuộc xã Hợp Phong) cho biết: Năm học 2019 - 2020, nhà trường có 1 trường hợp em B.N.H học sinh lớp 9, kết thúc học kỳ I đã bỏ học. Gia đình em B.N.H thuộc hộ nghèo, mẹ phải đi làm ăn xa, bố ở nhà nuôi 2 chị em ăn học nên em phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố làm kinh tế, nuôi em trai học lớp 6. Sau khi nắm được tình hình, cán bộ, giáo viên nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, các Hội, đoàn thể quyên góp sách vở, hỗ trợ tiền học phí, nhưng em B.N.H vẫn không quay lại trường.

Rời trường TH&THCS Đông Phong, chúng tôi tìm đến gia đình chị Bùi Thị Chung, xóm Quáng Giữa, xã Hợp Phong. Gương mặt của chị Chung hiện lên sự lo lắng cho tương lai của con trai đã bỏ học để đi làm ăn xa nhà. Chị Bùi Thị Chung. chia sẻ: Năm 2018, sau khi tốt nghiệp THCS, con trai tôi là cháu B.A.T đã quyết định bỏ học, không thi THPT chỉ vì học lực kém, không theo kịp bạn bè. Nhiều năm liên tiếp, cháu T học lực kém, thậm chí không lên được lớp dẫn tới tâm lý chán học, không muốn đến trường. Gia đình tôi đã phân tích, thuyết phục cháu thi THPT nhưng cháu vẫn nhất quyết bỏ học đi làm. Tôi rất lo lắng không biết tương lai của con sẽ như thế nào khi không có bằng THPT. Hiện tại, do chưa tốt nghiệp THPT nên cháu chỉ được nhận làm bảo vệ chứ không được làm công nhân trong công ty.

Nỗ lực ngăn chặn không để học sinh bỏ học.

Đồng chí Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cao Phong cho biết thêm: Nhằm khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện nhiều giải pháp duy trì sỹ số; đánh giá, xếp loại học sinh theo đúng quy chế, tránh trường hợp học sinh "ngồi nhầm lớp”; tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh học lực kém. Các trường THCS, THPT thực hiện phân luồng học sinh, hướng nghiệp cho học sinh để các em có định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Ngay từ đầu năm học 2020 - 2021, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm quan tâm, nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh của những học sinh yếu, học sinh lười học. Từ đó, kịp thời báo cho phụ huynh khi học sinh nghỉ học, báo cho hiệu trưởng để nhà trường báo cáo cấp ủy, chính quyền đối với các trường hợp có nguy cơ bỏ học cao để thực hiện các biện pháp phù hợp với từng hoàn cảnh. Đặc biệt, ngành Giáo dục huyện đã tích cực phối hợp với chính quyền, các Hội, đoàn thể quyên góp sách, vở, tiền hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chăm lo đầy đủ chế độ cho học sinh nghèo, học sinh mồ côi, học sinh vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Nhà nước. Tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em tới trường. Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm thu hút học sinh…

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và ngành GD&ĐT, huyện Cao Phong đã kịp thời ngăn chặn  tình trạng học sinh bỏ học. Năm học 2020 - 2021, qua khảo sát của Phòng GD&ĐT huyện chưa xảy ra tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, để không phát sinh thêm tình trạng học sinh bỏ học, các ngành chức năng của huyện cần có biện pháp, kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài. Quan tâm tới công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân; tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức về tầm quan trọng của việc học.


Thu Thủy