Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Huyện Lương Sơn khai thác lợi thế phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Thứ bảy, 20/4/2024 | 7:21:14 Sáng

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lương Sơn có 905 cơ sở, doanh nghiệp, hộ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn trên địa bàn huyện.


Công ty giấy và bao bì Đông Đô, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Công ty giấy và bao bì Đông Đô là doanh nghiệp chuyên sản xuất giấy và bìa cacton, chính thức đi vào sản xuất năm 2008 tại thôn Đồng Sương, xã Liên Sơn (Lương Sơn). Với sản lượng hàng chục tấn thành phẩm các loại, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng/năm, công ty tạo việc làm ổn định cho trên 40 lao động địa phương với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/ tháng. Anh Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Công ty giấy và bao bì Đông Đô cho biết: Trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa phương, công ty đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, từ việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tiếp cận đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu và giới thiệu công nhân lành nghề... chính vì vậy, hoạt động của công ty đi vào nền nếp và có tăng trưởng.

Cùng với Công ty giấy và bao bì Đông Đô, hiện nay, trên địa bàn xã Liên Sơn có nhiều doanh nghiệp nhỏ, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp hoạt động hiệu quả, mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Trong đó, cơ sở sản xuất mây tre đan tại xóm Đất Đỏ đã tạo việc làm cho nhiều lao động nữ ở lứa tuổi trung niên trong những lúc nông nhàn. Cơ sở này do gia đình chị Nguyễn Thị Hàn làm chủ. Trước đây, cũng như nhiều lao động nữ ở địa phương, bước vào tuổi trung niên không thể xin việc tại các nhà máy trên địa bàn, chị Hàn rất khó kiếm việc làm và thu nhập bấp bênh. Sau khi tìm hiểu, chị Hàn quyết định học và nhận hàng mây tre đan về làm thử. Ban đầu chỉ sản xuất nhỏ lẻ, song khi nhận thấy trong thôn có nhiều lao động nhàn rỗi, chị Hàn quyết định mở rộng sản xuất, dạy nghề cho bà con. Sau thời gian đào tạo nghề, chị cung cấp nguyên liệu cho bà con và thu mua sản phẩm. Đến nay, cơ sở sản xuất của chị Hàn có 3 điểm thu gom sản phẩm với hơn 30 lao động, chủ yếu là nữ với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, với ngành nghề đa dạng, số lao động nhiều, huyện Lương Sơn đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 40 doanh nghiệp khai thác đá, 22 doanh nghiệp sản xuất gạch nung và gạch không nung, 3 doanh nghiệp sản xuất xi măng, 8 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, 150 doanh nghiệp, HTX sản xuất các sản phẩm khác và 597 hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có khu công nghiệp Lương Sơn hiện nay đã có 39 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho trên 13 nghìn lao động. Huyện tiếp tục phối hợp đầu tư khu công nghiệp Nhuận Trạch với tổng diện tích trên 213 ha và khu công nghiệp Nam Lương Sơn và 2 cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư.

Đồng chí Đinh Văn Lợi, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lương Sơn cho biết: Phát huy thế mạnh công nghiệp, huyện Lương Sơn tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, huyện chú trọng kêu gọi và tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư, trong đó ưu tiên các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn để hình thành khả năng cung ứng chuỗi sản phẩm công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ vào địa bàn. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các cụm công nghiệp, xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng hệ thống giao thông, điện sản xuất để phục vụ sản xuất của doanh nghiệp.

Đinh Hòa