Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Huyện Kim Bôi phát triển kinh tế rừng ổn định, bền vững

Thứ bảy, 20/4/2024 | 7:25:06 Sáng

Nhà có nhiều hay ít cũng đều phải có trách nhiệm giữ rừng như nhau; bất kỳ ai có hành vi xâm hại rừng, dù chỉ là một cây măng cũng phải chịu phạt. Điều này đã được 100% người dân xóm Bưa Cầu, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) nhất trí đưa vào hương ước của xóm để bảo vệ rừng...


Từ quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả đã đem lại cho người dân ở xóm Bưa Cầu, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) nhiều lợi ích bền vững và nguồn thu đáng kể từ bán măng và cây bương, luồng.

Theo anh Bùi Văn Thí - người dân ở xóm Bưa Cầu, mặc dù đời sống của nhiều hộ trong xóm còn nhiều khó khăn nhưng nhận thức rõ lợi ích từ việc giữ rừng mang lại, người dân luôn đồng lòng, thống nhất cao trong việc giữ rừng, khai thác nguồn lợi từ rừng một cách phù hợp, hiệu quả. Nhờ vậy, không chỉ giữ được rừng mà những năm qua, nhờ duy trì và phát triển diện tích rừng tự nhiên cũng như mở rộng diện tích rừng trồng, đã có nhiều hộ trong xóm có nguồn thu nhập ổn định và đi lên từ rừng.

Theo đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, đáng nói hơn cả, từ việc quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả đã đem lại cho người dân ở Bưa Cầu nhiều lợi ích bền vững. Theo đó, ngoài việc duy trì nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu ổn định thì hàng năm, người dân ở đây cũng có nguồn thu đáng kể từ măng và cây bương, luồng. Theo thống kê trong vụ măng vừa qua, cả xóm đã thu được hơn 500 triệu đồng. Tính ra mỗi hộ có thêm nguồn thu từ 3 triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng tiền măng/vụ.

Theo đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi, trong những năm qua, huyện đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND, ngày 2/4/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 53-CT/TU, ngày 6/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững. Huyện đã phát huy tốt vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng trên địa bàn huyện tiếp tục được bảo vệ tốt, duy trì độ che phủ rừng đạt trên 50%. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường. Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng trồng và rừng tự nhiên được thực hiện tốt, không xảy ra tình trạng chặt phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép.

Từ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, một số mô hình nông - lâm kết hợp bước đầu đã có hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển KT-XH, phát triển du lịch cộng đồng. Tính đến tháng 3/2024, diện tích rừng trên địa bàn huyện Kim Bôi được cấp chứng chỉ FSC (chứng nhận quản lý bảo vệ rừng bền vững) trên 736 ha. Trong đó ở xã Đú Sáng có gần 330 ha; xã Kim Lập trên 356 ha; xã Nuông Dăm trên 50 ha.

Theo quy hoạch lâm nghiệp của huyện, đến hết năm 2023, toàn huyện có 38,5 nghìn ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng 4,7 nghìn ha, rừng phòng hộ 12,3 nghìn ha, đất rừng sản xuất 21,5 nghìn ha. Huyện đã thực hiện tốt trồng rừng thay thế, rừng phòng hộ, rừng sản xuất bằng cây gỗ lớn, cây đa mục đích kết hợp kinh doanh lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng. Theo đó, những năm qua, huyện đã đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ, trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn... Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã trồng mới 558,4 ha rừng. Trong đó, trồng được 15ha rừng đặc dụng, trồng 30 ha rừng phòng hộ, trên 510 ha rừng sản xuất. Ngoài ra, huyện trồng được 525.000 cây phân tán. Diện tích rừng tự nhiên đã được cộng đồng dân cư, UBND các xã, thị trấn tích cực bảo vệ, chất lượng rừng được nâng lên. 100% diện tích rừng tự nhiên được hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo vệ rừng thông qua Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân và chất lượng rừng, tăng khả năng phòng hộ. Bên cạnh đó, "huyện khuyến khích phát triển bền vững nguồn nguyên liệu; đưa giống tốt vào sản xuất, thực hiện thâm canh và xác định chu kỳ kinh doanh hợp lý. Trồng hỗn giao, đa canh, xen canh để phòng chống dịch bệnh. Nâng cao năng suất, chất lượng rừng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng”, đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết thêm.

Mạnh Hùng