Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Xã Thạch Yên: Xây dựng “cán bộ số” để xây dựng “chính quyền số”

Thứ sáu, 1/12/2023 | 9:23:12 Sáng

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần "vì nhân dân phục vụ”, xã Thạch Yên (Cao Phong) từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp.



Đội ngũ cán bộ, công chức xã Thạch Yên (Cao Phong) được chuẩn hóa về công nghệ thông tin, góp phần thực hiện tốt công việc chuyên môn.

Là địa bàn vùng cao, khó khăn của huyện, trình độ cán bộ, công chức (CBCC) của xã còn có mặt hạn chế so với các xã vùng thuận lợi. Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Yên, với tinh thần không ngừng cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đội ngũ CBCC xã đã có ý thức tự học, tự rèn luyện. Nhờ vậy, năng lực công tác được nâng lên, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng công việc và phục vụ người dân. Đội ngũ cán bộ được chuẩn hóa về CNTT, xã Thạch Yên từng bước thực hiện thành công mục tiêu "4 tăng, 2 giảm, 3 không” gồm: tăng cường ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc; tăng cường công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân khi đến thực hiện các giao dịch hành chính; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); giảm chi phí thực hiện TTHC; không phiền hà, sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình giải quyết công việc và không trễ hẹn trong thực hiện các giao dịch hành chính.

Với tinh thần đó, nhiều vụ việc được đội ngũ CBCC xã Thạch Yên giải quyết trong thời gian ngắn, nhiều giao dịch hồ sơ TTHC có tính chất phức tạp trước đây theo thẩm quyền giải quyết của xã mất từ 3 - 5 ngày, đến nay giảm còn 1 ngày, thậm chí có những hồ sơ TTHC được giải quyết trả kết quả luôn trong ngày.

Để có được những kết quả trên, theo đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Yên là do xã đã tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào giải quyết các TTHC. Cùng với đó, đội ngũ CBCC xã thường xuyên nâng cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành xử lý công việc trên môi trường mạng. Đến nay, 34/34 CBCC xã, người hoạt động không chuyên trách đều sử dụng thành thạo tin học văn phòng. 100% CBCC biết tác nghiệp trên mạng LAN, biết khai thác, sử dụng internet để phục vụ công việc chuyên môn. Sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng để xử lý công việc, cụ thể như phần mềm quản lý văn bản điều hành, quản lý hồ sơ CBCC; phần mềm "một cửa” điện tử, hộ tịch, báo cáo thống kê tư pháp; phần mềm xử lý vi phạm hành chính, chứng thực, kế toán, thuế, bảo hiểm; email công vụ; phần mềm dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo...

Cùng với đó, xã thường xuyên cập nhật, niêm yết công khai TTHC trên trang thông tin điện tử của xã, cập nhật đầy đủ các TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu TTHC. Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã đã ứng dụng CNTT để cung ứng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2020 đến tháng 10/2023 xã tiếp nhận 10.855 hồ sơ trực tiếp và qua mạng, 100% hồ sơ đủ điều kiện giải quyết. Số hồ sơ đã giải quyết trước hạn, đúng hạn chiếm 98,9%.

Cũng theo đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC được triển khai thực hiện góp phần rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ TTHC, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó góp phần thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính công ở địa phương.


Mạnh Hùng