Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Huyện Lạc Sơn thúc đẩy chương trình phát triển sản phẩm OCOP

Thứ tư, 6/3/2024 | 8:25:21 Sáng

Cùng với tập trung phát triển sản phẩm OCOP, huyện Lạc Sơn đề ra mục tiêu mỗi năm xây dựng ít nhất 5 sản phẩm. Từ đó, thúc đẩy và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.


Sau khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành - xã Yên Nghiệp ngày càng mở rộng giao thương, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Cuối tháng 7/2023, huyện Lạc Sơn đón nhận tin vui sản phẩm tinh bột nghệ của Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần, địa chỉ tại xã Nhân Nghĩa được xuất khẩu sang thị trường nước Anh với trọng lượng 144 kg. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sản phẩm OCOP xuất ngoại khẳng định những nỗ lực trong xây dựng, phát triển sản phẩm của địa phương và chủ thể, đồng thời cho thấy tiềm năng, lợi thế, giá trị nông sản của huyện. Trên cơ sở đó, huyện tăng cường chỉ đạo sản xuất, tạo vùng nguyên liệu an toàn, hỗ trợ người sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Tinh bột nghệ Nhưng Vần cũng là sản phẩm lựa chọn tham gia đánh giá cấp tỉnh được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.

Trong 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP năm 2023, sản phẩm gạo nếp Trứng Khe với chủ thể là HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Miền Đồi để lại nhiều ấn tượng qua câu chuyện kể. Đây là giống lúa nếp cổ được đồng bào dân tộc Mường ở xã Miền Đồi gìn giữ, có chất lượng tuyệt hảo. Với nhiều nỗ lực, chủ thể sản phẩm đã nhân rộng và phát triển giống nếp này thành thương hiệu "Gạo nếp Trứng Khe”. Giống lúa đặc sản trồng chủ yếu ở các xóm có địa hình cao, dốc, khí hậu ưa lạnh, được nuôi dưỡng từ nguồn suối mát lành. Với diện tích khoảng 10 ha, gạo nếp Trứng Khe được định hướng sẽ mở rộng thêm bởi hiện nay sản lượng còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2023 của huyện tiếp tục giữ vững chất lượng, thương hiệu, sức tiêu thụ tốt. Tiêu biểu là thịt chua Lâm Tin của hộ kinh doanh Trần Đình Lâm, phố Lâm Hóa, xã Vũ Bình; mật ong Thành An của HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thành An, xóm Đồi Cả, xã Mỹ Thành; gà đồi Hương Nhượng của HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng, xã Hương Nhượng; Dệt thổ cẩm Lục Nghiệp Thành của HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành – xã Yên Nghiệp... Đến thời điểm này, toàn huyện có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Riêng năm 2023 có 6 sản phẩm, gồm: Gạo nếp Trứng Khe của chủ thể HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Miền Đồi - xóm Tre Báng, xã Miền Đồi; Bưởi da xanh của chủ thể hộ cá thể Bùi Văn Tú - xóm Vành, xã Yên Phú; Tiên tửu nếp xứ Mường của chủ thể hộ kinh doanh Nguyễn Anh Tuấn - thị trấn Vụ Bản; Sim rừng lên men của chủ thể hộ kinh doanh Bùi Văn Chuẩn - xã Tân Lập; Tinh bột nghệ Nhưng Vần Hòa Bình của chủ thể Bùi Văn Nhưng - xã Nhân Nghĩa; Rượu cần Quyết Mùi của chủ thể hộ kinh doanh Bùi Văn Quyết - thị trấn Vụ Bản; Mật ong của chủ thể hộ sản xuất Bùi Thị Yến - xã Văn Nghĩa.

Đồng chí Phan Thị Hạnh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thị trường tiêu thụ nông sản của huyện có những tín hiệu tích cực. Một số sản phẩm đã tham gia chuỗi cung ứng trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chuỗi thực phẩm sạch tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố; nhiều liên kết và bao tiêu sản phẩm được hình thành tạo chuỗi giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp ngày càng bền vững. Trong thời gian tới, huyện quan tâm, chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP có tiềm năng, lợi thế của địa phương, chủng loại sản phẩm đa dạng hơn nhằm mở rộng quy mô, đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể trong việc áp dụng khoa học, công nghệ vào quy trình sản xuất, chế biến. Huyện tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.


Bùi Minh