Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Huyện Lạc Sơn chung sức bảo tồn di sản văn hoá dân tộc Mường

Thứ năm, 11/4/2024 | 9:13:08 Sáng

Từng có thời điểm theo dòng chảy thời gian, nhiều nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Mường đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Cùng với các địa phương trong tỉnh, cấp uỷ, chính quyền huyện Lạc Sơn đã triển khai giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá (DSVH).


Đội thông tin tuyên truyền Trung tâm VH-TT&TT huyện Lạc Sơn xây dựng các tiết mục văn nghệ đặc sắc góp phần tuyên truyền, tôn vinh và lan toả giá trị văn hoá dân tộc Mường.  

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện qua các thời kỳ, gần đây nhất là Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện uỷ Lạc Sơn đã ban hành 9 nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 20/12/2021 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường. Theo đó, vấn đề bảo tồn giá trị DSVH được các cấp, ngành quan tâm triển khai, thực hiện. Công tác quản lý về DSVH trên địa bàn được tăng cường. 

Đến nay, UBND huyện đã tiến hành kiểm kê đưa vào danh mục 196 điểm di tích, danh thắng. Trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 13 di tích danh thắng cấp tỉnh. Các di tích được tu bổ, tôn tạo đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển KT-XH. Năm 2023, huyện lập hồ sơ trình UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL công nhận di tích quốc gia đặc biệt hang Trại - xã Tân Lập, mái đá làng Vành - xã Yên Phú, trình công nhận thêm 1 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Việc huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích từ nguồn ngân sách nhà nước, thu từ các hoạt động của di tích và xã hội hoá. Hoạt động sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày hiện vật có chuyển biến tích cực.  

Đồng chí Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Huyện đã tiến hành công tác kiểm kê DSVH phi vật thể, coi trọng việc khôi phục và tổ chức lễ hội truyền thống dân tộc Mường. Hiện có 9 lễ hội dân gian truyền thống trên địa bàn được khôi phục và duy trì, tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch. Từ năm 2020 đến nay, huyện đề nghị các cấp xét trình 15 hồ sơ lên Hội đồng cấp nhà nước. Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu cho 8 nghệ nhân, trong đó có 7 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân. Giai đoạn 2019 - 2023, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn mở hơn 10 lớp truyền dạy DSVH về chiêng Mường, mo Mường, dệt thổ cẩm, hát thường rang bộ mẹng… Các DSVH phi vật thể tiêu biểu như mo Mường, nghệ thuật trình diễn chiêng Mường, hát thường rang bộ mẹng, múa ở các xóm, phố luôn được phát huy.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, báo chí, quay phim được xác định giữ vai trò hết sức quan trọng, tạo nền tảng cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Với sự quan tâm, khích lệ của cấp uỷ, chính quyền, các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm đã tích cực đóng góp trí tuệ, tâm huyết, không quản khó khăn đến các xóm, phố, các huyện bạn để sưu tầm, chụp ảnh, quay phim về những hiện vật, ghi chép lại địa điểm di tích, các nhân vật được thờ cúng trong di tích, truyền thuyết, lễ hội được tổ chức, các nghi thức cúng lễ, áng mo, bài hát dân ca cổ, lịch sử cách mạng kháng chiến… Tiêu biểu là Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng có nhiều tác phẩm nghiên cứu như: sưu tầm, khảo cứu mộ Mường ở Hoà Bình; phong tục đi hỏi vợ, đám cưới cổ truyền của người Mường vùng Lạc Sơn. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Nỏm, thị trấn Vụ Bản có nhiều bức ảnh và dung lượng lưu trữ khá lớn về phong cảnh, các sự kiện văn hoá, chính trị của huyện, các xã, thị trấn…

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường có sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp, được nhân dân đồng thuận, tham gia, hưởng ứng và thực hiện tốt. Điều đó thể hiện rõ qua việc phục dựng các lễ hội truyền thống, mo Mường, hát thường rang bộ mẹng, hát đúm giao duyên dân tộc Mường. Huyện hiện có hơn 14 vạn dân, 90% dân số là người Mường. Cùng với Nghị quyết số 08-NQ/HU, đời sống tinh thần của nhân dân phát huy được nét văn hoá đa dạng, giàu bản sắc. Toàn huyện còn lưu giữ trên 18.000 nhà sàn Mường; phát triển 58 câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao, 24 đội thông tin tuyên truyền cấp xã, 252 đội văn nghệ xóm, phố, 1 CLB mo Mường cấp huyện, 8 CLB hát thường rang bộ mẹng cấp xã, 3 CLB thơ ca, 1 CLB giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Mường.       
  

Bùi Minh