Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Xã Đồng Tân: Cải thiện thu nhập nhờ trồng bương, luồng

Thứ năm, 29/4/2021 | 10:12:08 Sáng

(HBĐT) - Thời gian qua, xã Đồng Tân (Mai Châu) tập trung chỉ đạo Nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Trong đó, trồng bương, luồng được xem là nguồn thu nhập đáng kể, ổn định cho nhiều hộ dân tại địa bàn.


Đồi bương của ông Bùi Văn Hai, xóm Bâng, xã Đồng Tân (Mai Châu) giúp tăng thêm thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm.

Đồng chí Hà Đức Chung, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xã Đồng Tân được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Đồng Bảng và Tân Sơn, có địa hình đồi núi, ít bãi bằng, khó canh tác các loại cây trồng truyền thống. Do vậy, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tận dụng tối đa lợi thế từ rừng, tập trung phát triển lâm nghiệp, tạo điều kiện mở các xưởng chế biến lâm sản, giải quyết việc làm cho người lao động, đem lại thu nhập ổn định”.

Hiện, toàn xã trồng 682 ha cây lâm nghiệp, chủ yếu là bương, luồng, trồng nhiều ở các xóm: Bâng, Phiêng Sa, Đồng, Vắt, phủ kín các sườn đồi, chân núi, xe thu mua cây ra vào các xóm nườm nượp. Toàn xã có 3 xưởng làm đũa, 1 xưởng làm giấy với nguyên liệu từ cây bương, luồng và cây nguyên liệu khác tại địa bàn, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động với thu nhập ổn định 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Từ đó, xã chỉ đạo Nhân dân mở rộng quy mô, trồng mới nhiều diện tích cây bương, luồng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác.

Ông Bùi Văn Hai, xóm Bâng có trên 1 ha bương, ngoài diện tích ngô đang canh tác thì cây bương được xem là nguồn thu nhập cải thiện đáng kể cho gia đình, mỗi năm thu nhập tăng thêm 30 - 40 triệu đồng từ cây bương. Ông Hai cho biết: "Trồng bương, luồng không tốn công chăm sóc, sức sống của cây rất khỏe, phù hợp với khí hậu lạnh tại địa bàn, bộ rễ chùm lớn nên có thể tận dụng trồng ở diện tích đất cằn cỗi, khó canh tác. Cây có chu kỳ khai thác lớn, có thể lên tới hàng chục năm, trồng 1 lần nhưng khai thác được nhiều lần. Không nên trồng quá dày, 1.000 m2 trồng từ 50 - 60 gốc là đủ, gõ vào thân nghe tiếng chắc, ngả màu xanh đậm, đốt dài là có thể khai thác”.

Cây bương, luồng được các xưởng chế biến đũa tại địa bàn thu mua theo cân, thu hoạch thành từng bó, giá cả dao động từ 800 - 900 đồng/kg, cây có dóng xấu hơn, đốt ngắn thì 3.000 đồng/bó, 1 cây trung bình đạt trọng lượng khoảng trên 30 kg. Loại cây này được đánh giá có thể trồng ở hầu hết các xóm, phù hợp điều kiện khí hậu lạnh của địa phương, nhất là tận dụng được diện tích đất dốc, khó canh tác, cằn cỗi, lẫn đá vôi, thiếu nước tại địa bàn, giúp cải thiện thu nhập cho bà con bên cạnh việc canh tác các loại cây truyền thống.

Phát triển cây bương, luồng không chỉ cải thiện, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương, mà còn nâng cao nhận thức của người dân, linh hoạt hơn trong suy nghĩ, biến những khó khăn thành lợi thế để phát triển kinh tế, đóng góp tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới. Nhằm tạo hiệu quả bền vững hơn, xã đã hướng dẫn bà con phương thức chăm sóc, phòng trừ bệnh hại, trồng mới nhiều diện tích đúng quy định. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản tiếp cận địa bàn, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Theo đánh giá của lãnh đạo xã, cây bương, luồng có chu kỳ khai thác lý tưởng khoảng 2 - 3 năm, tuy nhiên, người dân vẫn còn khai thác "non”, thậm chí chưa tới 1 năm đã xuất bán, do đó chất lượng chưa cao, giá thu mua còn thấp so với tiềm năng mà cây mang lại. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 11 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 23,34%.


 Hoàng Anh