Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Huyện Mai Châu xây dựng nhãn hiệu cho nông sản

Thứ ba, 4/5/2021 | 10:28:45 Sáng

(HBĐT) - Nhắc đến nông sản Mai Châu phải kể đến các nhãn hiệu: "Khoai sọ Phúc Sạn, "Ngô nếp Thung Khe”, "Tỏi tía Mai Châu”. Đó là những sản phẩm nổi tiếng của địa phương, tạo thu nhập ổn định, trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của huyện.

 


Lãnh đạo huyện Mai Châu trao chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu "Tỏi tía Mai Châu" cho các hộ trồng tỏi tiêu biểu tại xã Thành Sơn.

Mai Châu là huyện có lợi thế, tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp. Do đó, để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, huyện luôn quan tâm đầu tư, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là những sản phẩm tiềm năng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân ứng dụng KHKT vào sản xuất. Mở lớp tập huấn cho nông dân, HTX, tổ hợp tác về xây dựng nhãn hiệu, quản lý thương hiệu, nhãn mác, bao bì, mẫu mã, kiểu dáng, quảng bá… để nâng cao nhận thức của người dân về giá trị nông sản khi có nhãn hiệu. Quan tâm đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho nông dân. Huyện còn hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác sản xuất đúng quy trình, kỹ thuật ngay từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm đảm bảo tính đồng đều về chất lượng, mẫu mã, bám sát các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm. 

 Khoai sọ Phúc Sạn (xã Sơn Thủy) với đặc điểm củ to, thơm, dẻo là đặc sản nổi tiếng của Mai Châu. Để tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và phát triển sản xuất, UBND huyện đã nỗ lực xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Khoai sọ Phúc Sạn”. Tháng 12/2020, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ phối hợp với UBND huyện công bố nhãn hiệu chứng nhận "Khoai sọ Phúc Sạn". 10 hộ của xã Sơn Thủy được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Đến nay, diện tích trồng khoai sọ của xã đạt khoảng 20 ha. Thị trường tiêu thụ ổn định, cung không đủ cầu. 

 Là 1 trong 10 hộ được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Khoai sọ Phúc Sạn”, ông Đinh Văn Thanh, xóm Nọt, xã Sơn Thủy chia sẻ: Khoai sọ Phúc Sạn nổi tiếng là đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao. Đây là giống khoai của địa phương. Thời vụ được trồng vào khoảng tháng giêng đến tháng 2 âm lịch, tốt nhất là giữa tiết lập xuân; thu hoạch vào tháng 10 - 11 dương lịch, năng suất đạt 60 - 70 tạ/ha. Khoai dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh. Từ khi được sử dụng nhãn hiệu "Khoai sọ Phúc Sạn”, gia đình tôi luôn tuân thủ đúng quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chống lại việc cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất. Năm 2020, người dân thu hoạch đến đâu tư thương tới thu mua hết, giá bán khoảng 20.000 đồng/kg.

Đồng chí Trần Mạnh Tân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm: "Ngô nếp Thung Khe”, "Khoai sọ Phúc Sạn”, "Tỏi tía Mai Châu” góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, chống lạm dụng và gian lận thương mại. Tạo điều kiện tốt để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới những thị trường uy tín.  Tất cả các nông sản của huyện sau khi được cấp nhãn hiệu đều có thị trường tiêu thụ ổn định, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhãn hiệu thúc đẩy công tác quy hoạch vùng trồng, tuyển chọn giống đảm bảo chất lượng; thực hiện tốt khâu bảo quản sản phẩm nhằm cung cấp sản phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng. Hiện, trên địa bàn huyện còn nhiều sản phẩm nông nghiệp tiềm năng đang phấn đấu xây dựng nhãn hiệu như: Lợn đen bản địa của HTX chăn nuôi lợn đen Mường Pa và vịt cổ xanh, xã Mai Hịch. 

Thu Thủy