Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ

Thứ tư, 10/8/2022 | 6:59:54 Sáng

(HBĐT) - Bất cứ khi nào trời đổ mưa, dù đang ở nương xa hay việc dang dở, anh Bàn Văn Hà, Triệu Văn Tuấn và những người đàn ông trụ cột trong gia đình ở xóm Suối Nhúng, xã Sơn Thủy (Mai Châu) lại vội vàng trở về nhà. Bởi, những ngôi nhà nhỏ của họ nằm chênh chếch bên sườn đồi. Một bên là vách dựng đứng, bên còn lại là bờ suối. Mỗi khi mưa to, nước dâng cao, những ngôi nhà nhỏ đều có nguy cơ trượt sạt xuống dòng suối cuồn cuộn nước...


Huyện Mai Châu huy động phương tiện xử lý điểm sạt lở đất, đá trên tuyến đường qua xã Tòng Đậu.

Không chỉ ở Sơn Thủy mà theo đồng chí Ngần Văn Toàn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, với đặc thù là huyện vùng cao địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe, suối, núi cao. Do vậy, hầu như năm nào địa bàn huyện cũng chịu ảnh hưởng, tác động rất lớn từ sự thay đổi các hình thái thời tiết cực đoan. Từ năm 2016 đến nay, huyện thường xuyên phải hứng chịu nhiều trận lốc xoáy, mưa đá, lũ ống, lũ quét và sạt lở gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng người dân. 

Theo thống kê, trong những tháng đầu năm 2022, huyện chịu ảnh hưởng của 2 đợt rét đậm, rét hại; 2 đợt mưa kèm dông lốc; 2 đợt rãnh thấp kết hợp gió hội tụ trên cao gây hiện tượng mưa to. Tổng mức thiệt hại do thiên tai gây ra trên 9,4 tỷ đồng. Tuy không có thiệt hại về người nhưng mưa to, sạt lở đất gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, gia súc và các công trình hạ tầng xã hội của địa phương. Điển hình như ngày 20/2, do mưa to gây sạt lở đất, đá lăn làm thiệt hại về nhà của 2 hộ dân; ngày 22/3, do ảnh hưởng của khối không khí lạnh trên địa bàn huyện xảy ra dông lốc, gây thiệt hại về nhà cửa của 24 hộ tại các xã: Bao La, Xăm Khòe, Mai Hịch; sạt lở taluy âm tuyến đường từ xóm Nà Phặt - Nà Lụt (xã Thành Sơn) ước thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng; sạt lở taluy âm nền đường từ xóm Nọt đi xóm Suối Nhúng (xã Sơn Thủy) thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng...

Theo đồng chí Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện, xuất phát từ thực tế, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã kiện toàn Ban chỉ huy và các tiểu ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cấp huyện; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ huy, đồng thời tập trung chỉ đạo các địa phương trong toàn huyện tăng cường công tác PCTT&TKCN; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Kiểm tra, có biện pháp sửa chữa, gia cố kịp thời những vị trí xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hồ, đập và an toàn giao thông. Chủ động nạo vét, khơi thông dòng chảy cống rãnh, lòng cầu, sân ngầm tràn... Chuẩn bị sẵn sàng công tác phòng, chống mưa lũ; triển khai chiến dịch toàn dân làm thủy lợi. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện xây dựng kế hoạch PCTT của huyện; chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã, thành lập đội xung kích xã, thị trấn phù hợp điều kiện của từng đơn vị, xây dựng phương án, kế hoạch PCTT&TKCN sát tình hình thực tế; lấy phòng tránh là chính theo phương châm "4 tại chỗ”. Tăng cường công tác thông tin, cảnh báo trên các phương tiện truyền thông để nhân dân biết, chủ động phòng tránh; chủ động sơ tán, di dời dân cư khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn; đảm bảo các công trình, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại khu vực ngầm, đường bị ngập, sạt lở; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhận lực sẵn sàng tham gia ứng phó, xử lý sự cố khi có mưa lớn...

Để chủ động xây dựng phương án PCTT trong mùa mưa lũ, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đôn đốc các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, lên phương án bố trí dân cư vùng có nguy cơ sạt lở, lũ, lũ ống, lũ quét, ngập úng. Qua rà soát, toàn huyện có 9 xã với 815 hộ nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, mưa lũ. Trong đó, 621 hộ có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở đất, đá; ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét 73 hộ; ảnh hưởng ngập úng 121 hộ. Đến nay, huyện đã xây dựng phương án, theo đó, dự kiến di dân tập trung 30 hộ, di dân theo hình thức xen ghép 392 hộ, di dân ổn định tại chỗ 393 hộ.


Mạnh Hùng