Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Huyện Mai Châu: Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất

Thứ tư, 30/11/2022 | 7:34:02 Sáng

(HBĐT) - Từ sự hỗ trợ về kỹ thuật, quy trình chăm sóc theo hướng "cầm tay chỉ việc” của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Châu, gia đình anh Hà Công Tín, xóm Nà Phặt, xã Thành Sơn mạnh dạn vay vốn, mở rộng diện tích trồng tỏi của gia đình từ 360 m2 lên 1.000 m2. 

Anh Tín chia sẻ: Với quy trình kỹ thuật chăm sóc mới, nhất là khi được cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn tôi đã ứng dụng tiến bộ KHKT vào theo dõi, quản lý việc trồng, chăm sóc... Diện tích trồng tỏi không chỉ tăng về năng suất mà chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên nhiều so với trước. Nếu như trước đây, trên diện tích 1 m2 nhiều nhất cũng chỉ cho thu khoảng 3 lạng củ thì hiện nay, với việc trồng và chăm sóc theo quy trình mới cho năng suất tăng lên gấp đôi, đạt từ 5 - 6 lạng củ/m2. Với giá 80 nghìn đồng/kg củ khô, 100 nghìn đồng/kg củ khô cắt cuống, bình quân mỗi vụ, trừ chi phí gia đình thu được từ 40 - 50 triệu đồng. Giá trị thu nhập tăng gấp 2,5 - 3 lần; ngày công lao động, chăm sóc giảm nhiều so với trước đây.        
   


Người dân xóm Nà Phặt, xã Thành Sơn (Mai Châu) được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tỏi tía đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Thành công của gia đình anh Hà Công Tín đã làm nhiều hộ ở xã tin và làm theo. Đồng chí Hà Thành Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Sơn cho biết: Thực hiện mô hình trồng, mở rộng diện tích trồng tỏi tía theo hướng áp dụng, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, đến nay, trên địa bàn xã có 30 hộ tham gia với tổng diện tích được mở rộng trên 12 ha. Trong quá trình sản xuất, người dân được cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, giúp đỡ chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tỏi. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị sản phẩm trên diện tích canh tác. Cùng với đó, xác định tỏi tía là một trong những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp mang tính đặc trưng, huyện phối hợp Trung tâm Ứng dụng thông tin khoa học, công nghệ tỉnh triển khai thực hiện dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Tỏi tía Mai Châu” cho củ tỏi”. Quá trình triển khai dự án, người dân địa phương được Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện hỗ trợ xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận "Tỏi tía Mai Châu” cho củ tỏi sản xuất ở Thành Sơn. Sản phẩm tỏi trở thành sản phẩm đặc sản, đặc trưng, có giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, nhiều hộ dân từng bước vươn lên thoát nghèo nhờ cây tỏi.

Theo đồng chí Lê Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, nhằm thúc đẩy bà con nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, hàng năm huyện dành một phần ngân sách hỗ trợ triển khai các lớp tập huấn, ứng dụng KHKT vào sản xuất cho người dân. Với phương châm "cầm tay chỉ việc”, mở các lớp học tại hiện trường, trong những năm qua, Trung tâm đã mở được hàng chục lớp, hướng dẫn kỹ thuật cho hàng trăm hộ biết cách áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, bón phân theo từng giai đoạn sinh trưởng cây trồng, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Qua đó, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích... Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ năm 2012 - 2022, huyện đã dành nguồn lực triển khai thực hiện 68 mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Hiện huyện đã xây dựng được các nhãn hiệu chứng nhận "Khoai sọ Phúc Sạn”, "Ngô nếp Thung Khe”, "Rượu Mai Hạ”, "Tỏi tía Mai Châu”. Ngoài các dự án tham gia chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT phục vụ phát triển KT-XH nông thôn do các cơ quan chuyên môn của tỉnh chủ trì, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương xây dựng nhiều mô hình, đầu tư kinh phí trong việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn...

Theo đồng chí Ngần Văn Toàn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, các mô hình tập trung vào việc sử dụng giống mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xác định được giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương; áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt để đảm bảo an ninh lương thực, bảo tồn, khai thác, sử dụng các nguồn gen quý sẵn có tại địa phương, nhằm tận dụng nguồn tại chỗ hình thành các vùng sản xuất như trồng tỏi ở xã Thành Sơn; trồng ngô lai ở xã Thành Sơn, Sơn Thủy, Pà Cò, Hang Kia; trồng mướp đắng, bí xanh, bí lấy hạt ở xã Mai Hạ, Xăm Khòe, Bao La; trồng đậu tứ quý tại xã Xăm Khòe, Chiềng Châu; trồng khoai sọ tại xã Sơn Thủy... giúp xóa đói, giảm nghèo, tạo nghề mới, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.


Mạnh Hùng