Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Huyên Mai Châu: Nhiều hộ dân trắng tay vì dịch tả lợn châu Phi

Thứ ba, 9/11/2021 | 9:22:18 Sáng

(HBĐT) - Cuối tháng 4, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát, gây ra những thiệt hại nặng nề đối với hộ chăn nuôi ở một số xã trên địa bàn huyện Mai Châu. Từ đó đến nay, dịch tiếp tục xảy ra khiến không ít hộ dân "trắng tay” khi cả đàn lợn phải tiêu hủy vì mắc bệnh.



Gia đình anh Phạm Đình Tuấn, xóm Tiền Phong, xã Mai Hạ (Mai Châu) bị thiệt hại nặng nề do dịch, với hơn 50 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. 

Theo báo cáo của UBND huyện Mai Châu, DTLCP xuất hiện tại 6 xã, gồm: Đồng Tân, Mai Hịch, Vạn Mai, Mai Hạ, Tân Thành, Chiềng Châu từ ngày 28/4/2021 đã làm chết 835 con lợn, trọng lượng tiêu hủy hơn 54,6 tấn. Nhiều hộ dân đã phải tiêu hủy hoàn toàn đàn lợn của mình. Chúng tôi đến xóm Tiền Phong, xã Mai Hạ - một trong những địa phương đã, đang có DTLCP, được biết dịch bệnh đã xảy ra hơn 1 tháng nay tại xóm, với trên 50% số hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại. Gia đình anh Phạm Đình Tuấn là một trong những hộ chăn nuôi lợn nhiều nhất ở xóm Tiền Phong, với quy mô vài chục con mỗi lứa, gồm lợn thịt và 6 con lợn nái. Anh Tuấn chia sẻ: Những năm trước, khi các hộ chăn nuôi lợn khác trong xóm bị dịch thì đàn lợn của gia đình vẫn an toàn. Từ trước đến nay, gia đình luôn thực hiện phun thuốc tiêu độc, khử trùng thường xuyên, cũng như rắc vôi xung quanh chuồng nuôi và tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn. Tuy nhiên, lần này, DTLCP đã "ghé thăm”, hơn 50 con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đồng.

Gia đình bà Hà Thị Bin, xóm Nghẹ, xã Vạn Mai cũng chung cảnh ngộ với gia đình anh Tuấn, khi cả đàn lợn 35 con phải tiêu hủy vì DTLCP. Gia đình bà Bin là một trong những hộ chăn nuôi đầu tiên xuất hiện lợn mắc bệnh trở lại ở xã Vạn Mai trong năm 2021. Bà Bin cho biết, đầu tháng 7/2021, sau khi thấy lợn bị ốm sốt, bỏ ăn, gia đình đã báo cho cán bộ thú y. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm xác định lợn mắc DTLCP nên thực hiện tiêu hủy theo quy định. Từ đó đến nay, gia đình bà chuyển sang nuôi các loại vật nuôi khác. "Cả đàn lợn phải tiêu hủy hết vì mắc bệnh nên gia đình gặp nhiều khó khăn, nhất là tiền cám vẫn chưa có để thanh toán. Gia đình rất mong được ngành chức năng quan tâm, sớm hỗ trợ để có tiền trang trải” - bà Bin bày tỏ.

Trước mắt, thiệt hại DTLCP gây ra rất nặng nề đối với những hộ chăn nuôi như gia đình anh Tuấn, bà Bin. Dù vậy, họ chia sẻ, sau khi dịch qua đi sẽ tiếp tục tái đàn để chăn nuôi trở lại. Thực tế, theo đánh giá của ngành chức năng, điều kiện chăn nuôi của nhiều hộ dân ở huyện Mai Châu vẫn còn khá sơ sài, tạm bợ, chưa đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi. Cùng với đó, công tác tiêm phòng chưa thực sự được chú trọng, trình độ chăn nuôi chưa cao. Chính anh Tuấn, bà Bin và nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng thừa nhận còn thiếu nhiều kiến thức về chăn nuôi lợn. Đồng thời chia sẻ nguyện vọng được ngành chức năng quan tâm tập huấn về khoa học, kỹ thuật và biện pháp để phòng, chống dịch bệnh, nhất là DTLCP.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: DTLCP bùng phát trên địa bàn huyện đã gây ra thiệt hại rất lớn, nhất là đối với người chăn nuôi ở các xã Mai Hạ, Vạn Mai. Đàn lợn đã giảm đi nhiều, điều này dẫn tới nguy cơ thiếu hụt thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Do đó, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các xã, thị trấn ttăng cường dập dịch, không để dịch bệnh lây lan ra toàn huyện. Khuyến khích các vùng chưa có dịch tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi lợn và các loại gia súc, gia cầm khác để bù lại lượng thực phẩm thiếu hụt do DTLCP. Đối với những xã có dịch, huyện chỉ đạo tập trung phun khử khuẩn, không tái đàn ngay mà phải đảm bảo từ 3 tháng mới thực hiện tái đàn. Tiếp tục hỗ trợ người dân trong tiêu hủy lợn, đàn lợn mắc bệnh; mua thuốc để khử trùng môi trường chăn nuôi.

Viết Đào