Chiều 20-1, tại Hà Nội, sau ba ngày làm việc, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (Hội nghị APPF-26) đã bế mạc.



Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tại phiên toàn thể về các vấn đề của APPF. Ảnh: DUY LINH

Phát biểu ý kiến tại lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, các nghị quyết được thông qua, và các cuộc trao đổi, thảo luận tại Hội nghị APPF-26 cho thấy vai trò quan trọng của các nghị viện trong tiến trình thực hiện những cam kết quốc tế, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững, vì lợi ích của nhân dân trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chủ tịch QH cho biết, Tuyên bố Hà Nội về "Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương" được Hội nghị thông qua có ý nghĩa quan trọng, xác định tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển, với những thành tựu nổi bật, kiên trì thực hiện mục tiêu chung, góp phần thúc đẩy hợp tác và đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo hôm nay).

Phó Chủ tịch Thượng viện Cam-pu-chia Tép Nguôn, Trưởng đoàn đại biểu QH Cam-pu-chia cho biết, QH Cam-pu-chia vinh dự khi các nghị viện thành viên APPF tin tưởng trao cơ hội đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-27 năm tới; QH Cam-pu-chia cam kết tổ chức Hội nghị APPF-27 với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nhiều đại diện đoàn nghị viện các nước chúc mừng QH Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APPF-26 và khẳng định, các nghị viện thành viên APPF tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, cùng thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

* Ngay sau lễ bế mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội nghị APPF-26; Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị APPF-26; cùng một số Trưởng đoàn đại biểu QH các nước chủ trì họp báo quốc tế, thông báo kết quả Hội nghị APPF-26.

Tại buổi họp báo, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, một trong những thành công lớn nhất của Hội nghị APPF-26 là Tuyên bố Hà Nội về "Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương". Hội nghị đã ghi nhận sự thống nhất rất cao của các nghị viện thành viên. Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, sau ba ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi và trong bầu không khí hữu nghị, hiểu biết và tin cậy, với tinh thần trách nhiệm, Hội nghị APPF-26 đã hoàn thành bốn phiên thảo luận toàn thể, họp Ban Chấp hành và các phiên họp Ủy ban soạn thảo và các nhóm công tác, với nhiều cuộc thảo luận, trao đổi ý kiến thẳng thắn và bổ ích về những vấn đề cùng quan tâm.

* Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị APPF-26, diễn ra Phiên họp toàn thể thứ tư về các vấn đề của APPF, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội nghị APPF-26 và với sự tham dự của đông đảo đại biểu đến từ các nghị viện thành viên APPF. Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận vai trò của APPF trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững và tăng trưởng cho tất cả các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ủy ban Chấp hành thông qua quyết định QH Cam-pu-chia đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-27 vào tháng 1-2019.

* Các đại biểu cũng đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về "Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương"; quy chế sửa đổi liên quan Hội nghị Nữ nghệ sĩ APPF-26; 14 nghị quyết của Hội nghị APPF-26 và Thông cáo chung của Hội nghị APPF-26. (Toàn văn Tuyên bố Hà Nội đăng số báo hôm nay).

* Sáng 20-1, trong khuôn khổ Hội nghị APPF-26, diễn ra Phiên họp toàn thể thứ ba về hợp tác quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Phát biểu đề dẫn tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh, hợp tác phát triển và những vấn đề về biến đổi khí hậu, văn hóa du lịch và phát triển bền vững có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc đẩy mạnh hợp tác giữa các chính phủ, nghị viện cũng như tăng cường lồng ghép nội dung hợp tác trong các chương trình hành động thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững là cần thiết. APPF tiếp tục phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các nghị viện thành viên, đóng góp tích cực nhằm kiến tạo, gìn giữ hòa bình, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận về những chủ đề gồm: Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó biến đổi khí hậu; các nguồn lực cho phát triển bền vững; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực. Các đại biểu kêu gọi nghị viện các nước hợp tác xây dựng hệ thống chính sách, luật pháp quốc tế về giám sát việc ứng phó biến đổi khí hậu; đào tạo nghiệp vụ về tìm kiếm cứu nạn và cứu trợ nhân đạo...

* Cùng ngày, trong khuôn khổ Hội nghị APPF-26, diễn ra phiên họp của Ủy ban soạn thảo, các nhóm công tác.

* Sáng 20-1, tại Nhà QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chủ tịch Thượng viện Mê-hi-cô Ê.A-giô-rô. Chủ tịch QH hoan nghênh những bước phát triển tích cực trong quan hệ hai nước, trong đó có sự hợp tác hiệu quả giữa QH Việt Nam và Nghị viện Mê-hi-cô; khẳng định QH Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với QH Mê-hi-cô thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. QH Việt Nam đã thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Mê-hi-cô.

Chủ tịch Thượng viện Mê-hi-cô nhấn mạnh, Mê-hi-cô chú trọng phát triển hợp tác với Việt Nam. Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Thượng viện Mê-hi-cô cho rằng, hai nước còn nhiều cơ hội to lớn để hợp tác, phối hợp hành động và trao đổi kinh nghiệm…

* Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Phó Chủ tịch Thượng viện Cam-pu-chia Tép Nguôn. Chủ tịch QH chúc mừng về những thành tựu của nhân dân Cam-pu-chia; tin tưởng rằng, dưới sự trị vì của Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni và sự lãnh đạo của Thượng viện, QH và Chính phủ, Vương quốc Cam-pu-chia tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong xây dựng thành công một nước Cam-pu-chia hòa bình, độc lập và phát triển phồn vinh. Chủ tịch QH nhấn mạnh, 50 năm qua là thời kỳ đặc biệt của quan hệ hai nước, thời kỳ mà nhân dân hai nước đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ trong sáng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc và phát triển của mỗi nước. Truyền thống tốt đẹp đó là niềm tự hào và là tài sản vô giá của hai dân tộc.

Phó Chủ tịch Thượng viện Cam-pu-chia đánh giá cao nỗ lực của QH Việt Nam tổ chức thành công APPF-26 và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để Cam-pu-chia tổ chức APPF-27.

* Chiều 20-1, tại Hà Nội, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) M.Chun-gông. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững. Tổng Thư ký IPU cho biết, IPU luôn nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với các nghị viện thành viên, ủng hộ mối quan hệ giữa các nghị viện thành viên và Liên hợp quốc; hỗ trợ để các nghị viện thành viên, trong đó có Việt Nam, tăng cường năng lực khi thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

* Cùng ngày, tại Nhà QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chủ tịch Hạ viện Chi-lê P.E.Xan-đô-van. Chủ tịch QH nhấn mạnh, quan hệ hai nước được xây dựng trên cơ sở tình đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước và tiếp tục phát triển. QH Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Nghị viện của Chi-lê. Chủ tịch Hạ viện Chi-lê cho biết, ưu tiên hàng đầu hiện nay của Chi-lê là thúc đẩy hợp tác với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Chi-lê mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam.

TheoNhanDan

Các tin khác


Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước

(HBĐT) - Tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN), những tháng cuối năm 2023, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh (SXKD), đẩy nhanh giải quyết các thủ tục về đấu giá quyền sử dụng đất.

Doanh nghiệp đón xu hướng mới

Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hậu quả nặng nề đối với cuộc sống con người trong quy mô toàn cầu. Cùng đó, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến người tiêu dùng suy nghĩ và lựa chọn nhiều hơn về sống xanh, lối sống bền vững.

Xăng giảm giá mạnh, có loại giảm gần 1.000 đồng/lít

Sau chuỗi ngày tăng giá, từ 15 giờ ngày 2/10, xăng giảm giá mạnh theo xu hướng thế giới, xăng RON95 giảm 906 đồng/lít, xuống mức 24.842 đồng/lít.

Thành phố Hà Nội ủy quyền cho cấp huyện quyết định giá đất

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4905/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể và quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất...

Hoàn thành di chuyển hộ dân phục vụ chặn dòng hồ chứa nước Cánh Tạng đầu tháng 11/2023

(HBĐT) - Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng là 1 trong 4 dự án quan trọng của Bộ NN&PTNT, khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy phát triển kinh tế cho huyện Lạc Sơn nói riêng và tỉnh Hòa Bình. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Lạc Sơn đang tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng điểm tái định cư (TĐC) cho các hộ dân, phục vụ công tác chặn dòng vào tháng 11/2023.

Giá nhiều mặt hàng nông sản đồng loạt giảm mạnh

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chốt tuần vừa qua, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức giảm mạnh đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,44% xuống 2.278 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 3.600 tỷ đồng mỗi phiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục