(HBĐT) - Bà con tấp nập kéo đến chợ; hàng hóa cung ứng đảm bảo chất lượng, mẫu mã, chủng loại đa dạng, phong phú hơn; đặc biệt là không khí hồ hởi trao đổi giao thương khiến Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa đi đến đâu để lại ấn tượng tốt đẹp đến đó. Với bà con dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), dấu ấn về Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa được tổ chức trong 3 ngày 10 - 12/8/2018 vẫn còn in đậm. Trước đó, cùng với băng rôn, áp phích, tờ rơi, các xe tuyên truyền lưu động đã tới từng xóm, bản để thông báo về phiên chợ lần đầu tiên được tổ chức tại cụm xã vùng cao này.


Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa xã Tử Nê (Tân Lạc) thu hút đông đảo người dân đến thăm quan, mua sắm.

Tối khai mạc vừa mới bắt đầu cũng là lúc người người, nhà nhà í ới gọi nhau đến với phiên chợ. Không chỉ ở 2 xã vùng đồng bào Mông mà người dân các khu vực lân cận của huyện Vân Hồ (Sơn La), nhân dân xã Tân Sơn gần đó cũng hào hứng đến thăm quan, mua sắm.

Chị Mùa Y Ghánh ở xóm Hang Kia 2, xã Hang Kia cho biết: Phiên chợ rất đông vui, có cả văn nghệ do chị em các chi hội phụ nữ biểu diễn nên lôi cuốn lắm. Lần đầu tổ chức tại vùng dân tộc Mông, bà con đi làm đi cả nhà, tối đến được thưởng thức văn nghệ, giao lưu, vừa thăm quan, mua sắm những món đồ vừa ý, hàng do Việt Nam sản xuất có chất lượng.

Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng nông thôn lần thứ tư tại xã Tử Nê cũng là một phiên đáng nhớ. Mặc dù thời gian khai mạc bị gián đoạn do sự cố mất điện lưới nhưng không khí phiên chợ vẫn vẹn nguyên sự náo nức. Hàng nghìn người dân từ các xã trong cụm dồn về nơi tập trung các gian hàng để chờ khai mạc. Ngay khi có điện trở lại, phiên chợ trở nên náo nhiệt, tưng bừng. Bà con hồ hởi thăm quan, mua sắm, còn các doanh nghiệp, người bán hàng bận rộn giới thiệu, quảng bá, đưa ra những sản phẩm tốt nhất, công dụng, phù hợp với nhu cầu, điều kiện kinh tế của người dân.

Bà Bùi Thị Ngát ở xóm Bái Trang, xã Đông Lai nhận xét: Phiên chợ có nhiều mặt hàng phù hợp để mua. Thứ nhất là phù hợp với nhu cầu, thị hiếu như bát đĩa sành sứ, đồ nhôm, nhựa, các loại xoong, nồi, chậu, rổ, rá, chăn - ga - gối - đệm thu đông, đồ điện gia dụng, hàng may mặc, giày dép… Thứ hai, hàng hóa ở đây đều là hàng Việt Nam nên không lo mua phải đồ rẻ tiền, mau hỏng. Thứ ba, giá cả so sánh với các điểm bán khác thì phải chăng. Ví dụ mua một bóng tích điện có giá 39.000 đồng, trong khi ngoài thị trường giá từ trên 40.000 đồng/chiếc. Các loại rổ, rá, chậu nhựa đồng giá 10.000 đồng/cái…

Được tổ chức từ 10/8, mỗi phiên chợ kéo dài trong 3 ngày. Chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa năm 2018 trải qua 5 phiên chợ. Phiên chợ thứ 5 được tổ chức tại xã Dũng Phong (Cao Phong). Trong nửa tháng diễn ra, mặc dù có phiên chợ gặp bất thuận về thời tiết do mưa bão như Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa xã Phong Phú (Tân Lạc) nhưng vẫn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân các dân tộc trong vùng. Theo các doanh nghiệp tham gia, so với Chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa các năm 2016, 2017, doanh thu năm nay tăng 1,5 - 2 lần, đặc biệt là bà con ngày càng tin dùng các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Đồng chí Chu Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh cho biết: Sau mỗi năm tổ chức thực hiện, chất lượng của Chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa càng được nâng cao. Đồng thời, Chương trình nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân. Doanh nghiệp tham gia chương trình được chọn lựa kỹ và phải là doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước uy tín. Hàng hóa đa dạng, phong phú, phù hợp với thị hiếu và khả năng thanh toán của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các phiên chợ được đẩy mạnh, đi liền với việc chú trọng phần hội để thu hút người tiêu dùng. Mặt khác, mỗi năm, các phiên chợ tổ chức ở mỗi cụm khác nhau, phân đều cơ hội cho mỗi vùng cũng như tăng thêm sự lan tỏa của Chương trình, tuyên truyền có hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.


                                                     Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục