(HBĐT) - Để thực hiện thành công một việc khó như dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) cần có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, trong đó, quan trọng hàng đầu là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Đây chính là bài học thành công của huyện Yên Thủy – đơn vị đi đầu và đến thời điểm này đang là địa phương đạt kết quả tốt nhất sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 35, ngày 22/12/2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác DĐĐT trên địa bàn tỉnh.

Sau khi dồn điền, đổi thửa toàn bộ đất sản
xuất nông nghiệp trên địa bàn, nông dân xóm Tân Thành, xã Yên Trị (Yên Thủy)
đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Trên thực tế, huyện Yên Thủy đã khởi động chương trình DĐĐT từ năm 2013 theo nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2020. Sau khi cử nhiều đoàn cán bộ đi nghiên cứu, học tập, BTV Huyện ủy đã chỉ đạo việc thí điểm DĐĐT tại một số nơi có điều kiện thuận lợi để rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn huyện. Cuối tháng 5/2013, UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thí điểm DĐĐT tại 3 xóm Trường Long, Hổ 2 (xã Ngọc Lương) và Ao Hay (xã Yên Trị). Sau gần 1 năm đã dồn đổi thành công trên 90 ha của 179 hộ dân. Đây được xem là tiền đề quan trọng để huyện mở rộng kế hoạch ra các địa bàn khác.
Sau khi BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 35, BTV Huyện ủy Yên Thủy đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể trên từng địa bàn với quyết tâm: Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong thực hiện công tác DĐĐT. Theo đó, Huyện ủy, Đảng ủy xã, chi bộ xóm đã ban hành nghị quyết để lãnh đạo; UBND cấp huyện, cấp xã sâu sát trong chỉ đạo, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên chấp hành. Đặc biệt, sự nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm của chi bộ, ban quản lý xóm và sự gương mẫu chấp hành của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình thực hiện DĐĐT trên địa bàn huyện.
Là một trong những địa bàn có cách DĐĐT sáng tạo và quyết liệt nhất, xóm Tân Thành (xã Yên Trị) chỉ mất khoảng 2 tháng để dồn đổi trên 40 ha của 133 hộ dân. Khắc phục hoàn toàn tình trạng manh mún trước kia, toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xóm đã được quy hoạch lại một cách hệ thống, khoa học, phân chia thành các xứ đồng với đường giao thông, kênh mương nội đồng được bố trí thuận lợi để tạo điều kiện đưa cơ giới hóa, áp dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao hiệu quả tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các diện tích đất nghĩa trang, đất giãn dân, đất 5% của xóm cũng được quy hoạch lại phù hợp hơn để thuận lợi cho việc quản lý của địa phương.
Trên phạm vi toàn huyện, Chỉ thị số 35 của BTV Tỉnh ủy đã tạo thêm động lực để huyện Yên Thủy tiếp tục đẩy mạnh công tác DĐĐT. Trước kia, mỗi hộ có trung bình từ 3.000 – 5.000 m2 đất trồng cây hàng năm nhưng chia thành 8 - 12 thửa đất, cá biệt có hộ có tới 30 thửa đất. Quyết tâm khắc phục tình trạng manh mún này, đến nay, Yên Thủy đã thực hiện thành công việc DĐĐT tại 6 xã: Ngọc Lương, Yên Trị, Đoàn Kết, Yên Lạc (cũ), Lạc Lương, Hữu Lợi với tổng diện tích gần 1.355 ha của 21.908 thửa đất, sau khi dồn đổi còn 7.931 thửa, trung bình mỗi hộ còn khoảng 1-3 thửa. Với kết quả này, huyện đã khắc phục được đáng kể tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ đã giảm khoảng 61%, hình thành nên những thửa ruộng có diện tích tập trung đảm bảo tiêu chí cánh đồng lớn.
Đồng chí Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy cho biết: Trong 6 xã đã thực hiện thành công việc DĐĐT có xã thuộc vùng 135 như Lạc Lương, toàn huyện không để xảy ra bất cứ một trường hợp người dân nào phải khiếu nại về công tác DĐĐT. Sau khi thực hiện thí điểm và nhân rộng việc dồn đổi, huyện đã quy trình hóa thành từng bước trong thực hiện, vinh dự được Thường trực Tỉnh ủy chọn làm nơi tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác dân vận chính quyền thực hiện DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp. Từ đó đến nay, đã có nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến học tập kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện DĐĐT của huyện.
Được biết, bên cạnh việc thực hiện DĐĐT theo Chỉ thị số 35, BCH Đảng bộ huyện còn ban hành nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; chỉ đạo UBND huyện xây dựng bản đồ thổ nhưỡng nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học phục vụ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sau DĐĐT, việc tổ chức sản xuất trên thửa đất mới được thuận lợi, hiệu quả hơn, tạo động lực thúc đẩy nông dân sản xuất và gắn bó với đồng ruộng. Đây là kết quả cho thấy DĐĐT chính là giải pháp then chốt, tạo nền tảng thuận lợi để huyện bước đầu thực hiện thành công việc tích tụ ruộng đất, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp với các yếu tố bền vững hơn, phù hợp yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Khánh An
Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hậu quả nặng nề đối với cuộc sống con người trong quy mô toàn cầu. Cùng đó, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến người tiêu dùng suy nghĩ và lựa chọn nhiều hơn về sống xanh, lối sống bền vững.
Sau chuỗi ngày tăng giá, từ 15 giờ ngày 2/10, xăng giảm giá mạnh theo xu hướng thế giới, xăng RON95 giảm 906 đồng/lít, xuống mức 24.842 đồng/lít.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4905/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể và quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất...
(HBĐT) - Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng là 1 trong 4 dự án quan trọng của Bộ NN&PTNT, khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy phát triển kinh tế cho huyện Lạc Sơn nói riêng và tỉnh Hòa Bình. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Lạc Sơn đang tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng điểm tái định cư (TĐC) cho các hộ dân, phục vụ công tác chặn dòng vào tháng 11/2023.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chốt tuần vừa qua, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức giảm mạnh đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,44% xuống 2.278 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 3.600 tỷ đồng mỗi phiên.
(HBĐT) - Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình năm 2023 với chủ đề "Chợ phiên - Nét đẹp vùng cao".