(HBĐT) - Một ngày đầu tháng 11, hội viên câu lạc bộ (CLB) Mo Mường Thàng (35 người), huyện Cao Phong tề tựu đông đủ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân Mo Mường đến từ hai huyện Tân Lạc, Lạc Sơn. Đây là hoạt động thiết thực để kết nối trái tim những người yêu Mo Mường, đồng thời, hun đúc mạnh mẽ hơn ngọn lửa nhiệt huyết, giúp họ tiếp tục đồng hành trên con đường gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.


Các nghệ nhân trao đổi kinh nghiệm tại cuộc giao lưu các câu lạc bộ Mo Mường do câu lạc bộ Mo Mường Thàng tổ chức.

Thầy mo Bùi Thanh Xuân ở xóm Đồi, xã Tây Phong là hội viên trẻ nhất CLB, năm nay 31 tuổi, đã theo nghề mo gần 7 năm. Cụ ngoại của thầy mo Xuân - tức ông Bùi Văn Hom - trước đây là thầy mo lang nổi tiếng ở huyện. Vừa là người có "nổ” mo, vừa là người yêu mo tha thiết nên khi 24 tuổi, Bùi Thanh Xuân đã quyết tâm theo học nghề mo, dù biết đây là lựa chọn đầy thách thức. "Càng theo học, tôi càng thấy đam mê. Có những bài mo rất dài, rất khó nhưng càng học càng ham, càng quyết tâm phải mo thật tốt, thật đúng với tinh thần của Mo Mường Thàng. Rất thuận lợi là tôi được hoạt động trong CLB, được học hỏi những thầy mo uy tín, được các thầy trao truyền nhiều kinh nghiệm hay…” - thầy mo Bùi Thanh Xuân tâm sự.

Dù mới thành lập hơn 1 năm, nhưng đến nay, CLB Mo Mường Thàng dần trở thành "ngôi nhà chung" quy tụ các thầy mo và những người thực sự tâm huyết với Mo Mường trên đất Cao Phong. CLB được thành lập theo Quyết định số 2312/QĐ-UBND, ngày 13/8/2021 của UBND huyện Cao Phong. Ra đời trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên địa bàn huyện là thách thức lớn đối với CLB. Vượt qua thách thức, khắc phục khó khăn, CLB nỗ lực củng cố tổ chức, tích cực triển khai các hoạt động để hiện thực hóa quyết tâm gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường. Không chỉ tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ để kết nối hội viên, CLB còn phối hợp với Phòng Văn hóa, Trung tâm VH-TT&TT huyện truyền thông về Mo Mường, tổ chức trình diễn các bài mo để người dân cùng thưởng thức, tổ chức giao lưu với CLB Mo Mường các huyện nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các vùng Mường… Người dân các xã dần biết nhiều hơn về CLB, hiểu được giá trị cốt lõi của mo và vai trò quan trọng của thầy mo trong cuộc sống.

Nghệ nhân Bùi Ngọc Thuận, Chủ nhiệm CLB Mo Mường Thàng cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 37 thầy mo đang nắm giữ và thực hành di sản văn hóa Mo Mường, gần 10 người đang học thêm và phục vụ cho thầy mo. Sự ra đời của CLB Mo Mường Thàng có ý nghĩa đặc biệt, tạo thành "ngôi nhà chung" của những người yêu Mo Mường Thàng, giúp mọi người xích lại gần nhau, cùng kết nối để gìn giữ và phát huy hiệu quả hơn các giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Mo Mường.

Theo nghệ nhân Bùi Ngọc Thuận, người dân Mường Thàng cũng giống như bao người con thuộc các xứ Mường khác ở Hòa Bình đều tự hào và trân trọng di sản văn hóa Mo Mường. Từ xưa đến nay, Mo Mường luôn giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào Mường Hoà Bình. Mo gắn liền với cuộc đời con người từ khi sinh ra cho đến khi sang thế giới bên kia. Mo chứa đựng trong đó các giá trị đặc sắc của loại hình văn hoá dân gian có một không hai, là di sản vô giá của dân tộc Mường. Với tình yêu đặc biệt dành cho Mo Mường và ý thức được trách nhiệm của mình khi đang nắm giữ, thực hành một di sản văn hóa quý của dân tộc, những nghệ nhân Mo Mường như ông Bùi Ngọc Thuận đã quyết tâm xây dựng "ngôi nhà chung” dành cho những người yêu Mo Mường Thàng.

"Thành lập một CLB quy tụ được những người yêu Mo Mường đã khó, để CLB hoạt động hiệu quả và tạo ra sức mạnh tinh thần lớn lao trong cộng đồng lại càng khó hơn” - nghệ nhân Bùi Ngọc Thuận chia sẻ. Hiện nay, CLB có 35 hội viên, đều là thầy mo đang hoạt động tích cực, trong đó đã lựa chọn 8 thầy mo tiêu biểu nhất để lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú”. Phía trước họ là rất nhiều thách thức, đòi hỏi nhiều tình yêu, tâm huyết, trách nhiệm và bản lĩnh để có thể hiện thực hóa quyết tâm: Bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của Mo Mường Thàng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của quê hương Cao Phong.


Khánh An


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục