(HBĐT) - Với tổng diện tích tự nhiên trên 58,7 nghìn ha, huyện Lạc Sơn có 24 đơn vị hành chính, trên 15 vạn dân, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến hết năm 2022 là 19,32%, có 10 xã đã về đích nông thôn mới.
Tuy không thuộc vùng động lực của tỉnh nhưng huyện Lạc Sơn có những tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển, như về giao thông có tuyến đường 12B đấu nối với quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Tiềm năng đất đai của huyện dồi dào, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%, hàng năm có gần 1.300 học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào lực lượng lao động.
Công ty Nhựa Lạc Sơn đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Bên cạnh đó, huyện có tiềm năng phát triển lĩnh vực du lịch với nền văn hóa dân tộc Mường đậm đà bản sắc; có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, phong tục, tín ngưỡng phong phú, nhiều đặc sản và văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Mường. Huyện có 2 vùng cao khí hậu ôn hòa, cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, nhiều điểm nổi tiếng như thác Mu (xã Tự Do), đồi Thung (xã Quý Hòa)... Huyện còn có hồ Cánh Tạng là hồ trên núi với diện tích mặt hồ khoảng 600 ha; mỏ nước khoáng xã Quý Hòa và nhiều hồ, đập khác. Hiện, diện tích che phủ rừng trên 50%, nhiều cảnh quan còn hoang sơ, hấp dẫn, thuận lợi cho phát triển du lịch.
Trong năm 2022, huyện Lạc Sơn đẩy mạnh nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt trên 104 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công trên 257 tỷ đồng, đạt 98,1% kế hoạch. Đến nay, UBND huyện đã, đang triển khai lập và quản lý 33 dự án, đồ án quy hoạch. Huyện đang triển khai đề án, phân vùng phát triển và định hướng phát triển không gian vùng, gồm: vùng phát triển đô thị và công nghiệp; vùng phát triển du lịch, dịch vụ; vùng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp chất lượng cao.
Định hướng phát triển các ngành lĩnh vực chủ yếu trong vùng gồm: Khu vực phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghệ cao; khu vực phát triển công nghiệp, các khu, cụm công nghiệp. Định hướng phát triển hệ thống đô thị, hệ thống các điểm dân cư nông thôn. Hiện, huyện quản lý 33 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 11,7 nghìn tỷ đồng, tổng diện tích thực hiện dự án trên 711 ha. Trong năm, huyện thu hút 5 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký trên 8,4 nghìn tỷ đồng. Trong tổng số 33 dự án có 19 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Trên địa bàn huyện có 21 nhà đầu tư đang đề xuất nghiên cứu khảo sát lập dự án với tổng diện tích trên 2.497 ha.
Hiện, toàn huyện Lạc Sơn có 175 doanh nghiệp, hợp tác xã và trên 5.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp… Tổng thuế nộp ngân sách Nhà nước cả năm trên 31,5 tỷ đồng, bằng 30,3% tổng thu ngân sách cả năm 2022.
Mới đây, phát biểu tại hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh đầu năm 2023, đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn nhấn mạnh: Trong thời gian qua, huyện chủ trương "trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Lạc Sơn với hình thức hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư theo đúng quy định. Huyện đã, đang thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược khảo sát đầu tư trên địa bàn như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Hồ Gươm, Công ty CP đầu tư BKG Việt Nam… Trong thời gian tới, huyện Lạc Sơn tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban rà soát lại các thủ tục hành chính để cắt giảm thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến địa bàn huyện. Phấn đấu đưa Lạc Sơn trở thành điểm sáng thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Lâm
Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 20,26 tỷ USD.
(HBĐT) -Dọc trên những con đường bê tông liên thôn, xóm tại xã Đa Phúc (Yên Thủy) là những ruộng mía bạt ngàn. Nông dân hồ hởi chăm sóc đảm bảo thu hoạch đúng khung thời vụ. Trong 2 - 3 năm trở lại đây, giá mía ở mức 6.000 - 8.000 đồng/cây, thị trường tiêu thụ ổn định. Cây mía đã trở thành cây trồng mũi nhọn giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Trong đó, nuôi cá lồng bè trên hồ sông Đà diễn ra thuận lợi, cá phát triển tốt, các chỉ số môi trường tương đối ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra. Hiện, tổng diện tích nuôi cá ao, hồ toàn tỉnh đạt 2.698 ha với 4.900 lồng nuôi cá, tăng 200 lồng so với cùng kỳ.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Cục Thống kê, trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.028,4 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,19%, so với cùng kỳ năm trước tăng 33,5%.
(HBĐT) - Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) thời gian qua rất rõ ràng, điều này trực tiếp phản ánh qua tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh trong quý I/2023 ước đạt 3,88%. Đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hòa Bình. Nhận diện sớm và kịp thời đưa ra các giải pháp đồng bộ, thiết thực là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh.
Để chấn chỉnh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực vào cuộc thì việc triển khai các dự án vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực.