Rủi ro từ việc DN vay USD để bán cho NH lấy tiền đồng sẽ là nhãn tiền thì rủi ro cho NH là rất ít, thậm chí là không có. Nếu nhìn xa hơn, việc dư nợ ngoại tệ tiếp tục không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến mất cân đối cung cầu ngoại tệ, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

 

Theo Báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng cho vay VND tăng 2,72%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng tới 22,21% (gấp 9 lần). Đáng nói hơn, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ trong tháng 5 và tháng 6 giảm trên dưới 5,88% so với trước đó thì dư nợ tín dụng ngoại tệ của hai tháng này lại tăng 23,31% so với cuối năm 2010.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối trên chủ yếu là do chênh lệch lãi suất cho vay giữa VND và USD hiện nay lên tới 12-15%/năm nên các doanh nghiệp (DN) đã và đang đổ xô đi vay USD để hưởng lợi. Cùng với đó là kẽ hở trong quy định về cho vay ngoại tệ của Thông tư 07 đang được các ngân hàng Thương mại (NHTM) "lách" để thu về "lợi đơn, lợi kép".

"Đi đêm" với cả DN lẫn khách hàng, NH hưởng "lợi đơn, lợi kép"

Mặc dù theo quy định của NHNN, lãi suất huy động USD tối đa được áp dụng cho các tổ chức là 0,5% và cá nhân là 2%. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, với các khoản tiết kiệm có giá trị từ khoảng 10.000 USD trở lên, khách hàng hoàn toàn có thể "mặc cả" lãi suất với NH. Trong đó, với số tiền từ 10.000 đến 50.000 USD, khách hàng có thể đề nghị với NH mức lãi suất từ 2,5-3%/năm; số tiền từ 50.000 USD trở lên, lãi suất huy động có thể vượt quá 4%/năm, cao gấp đôi so với quy định của NHNN.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sở dĩ các NH sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất huy động USD cao gấp đôi so với quy định là vì DN đang đổ xô vay vốn bằng USD do lãi suất cho vay bằng VND trên thị trường hiện nay đang nằm ở mức 19-22%/năm, trong khi đó, lãi suất cho vay USD được các NH áp dụng vào khoảng 7-8%/năm, chỉ bằng  hoặc hơn 1/3 so với lãi suất vay VND.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, dù Thông tư số 07/2011/TT-NHNN quy định chỉ cho vay ngoại tệ với khách hàng là DN xuất khẩu và DN nhập khẩu có nguồn thu ngoại tệ. Tuy nhiên, trên thực tế thì diện DN vay USD đang được các NH "nới rộng". Bằng chứng là nhiều DN  được các NH "hợp thức hóa" các giấy tờ, thủ tục cần thiết để cho vào diện được vay vốn bằng USD. Điều này cũng đã được chính các DN và nhân viên tín dụng của các NH thừa nhận.

Kinh tế khó khăn nhưng các NHTM vẫn mang về lợi nhuận hàng ngàn tỷ trong 6 tháng đầu năm 2011.

Nguyên nhân sâu xa của việc "bắt tay" này đã đem lại cả lợi ích cho cả NH lẫn DN, bởi lẽ trong điều kiện chênh lệch lãi suất cho vay giữa VND và USD cao như hiện nay, chuyện DN vay USD rồi bán lại cho NH lấy tiền đồng để được lợi là điều dễ hiểu. Tương tự, trong bối cảnh nguồn vốn VND đang khan hiếm, lãi suất lại cao, trong khi đó nguồn cung USD trên thị trường lại đang khá dồi dào, nên NH cũng "chẳng dại gì" mà không cho DN vay khi họ có nhu cầu.

Đó là chưa muốn nói, với việc lãi suất huy động USD chỉ khoảng 0,5-2%/năm (cá biệt có thể lên tới 4% với khách hàng vip), trong khi đó, lãi suất mà các NH cho DN vay là 7-8%, thậm chí có thể lên tới 10%/năm thì các NH đã thu được mức lợi nhuận chênh lệch là rất lớn (từ 4-8%), cao hơn cả lợi nhuận chênh lệch từ việc cho vay bằng VND. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phương thức huy động vốn "giá thấp" từ cộng đồng dân cư rồi cho DN vay lại với "giá cao" lại một lần nữa được phát huy tác dụng, giúp NH hưởng cả "lợi đơn lẫn lợi kép". 

Dư nợ ngoại tệ tăng sẽ gia tăng sức ép lên tỷ giá

Trao đổi với PV Báo CAND, TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu và Phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng: Mặc dù trên thực tế việc NH và một số DN không thuộc diện được vay vốn bằng USD "bắt tay" nhau đều mang về lợi ích cho cả hai bên. Tuy nhiên, nếu như rủi ro từ việc DN vay USD để bán cho NH lấy tiền đồng sẽ là nhãn tiền thì rủi ro cho NH là rất ít, thậm chí là không có.

Bởi lẽ trong trường hợp tỷ giá ổn định thì NH mua/bán USD cho khách hàng và hưởng chênh lệch tỷ giá theo biên độ cho phép một cách bình thường. Trong trường hợp nguồn cung USD căng thẳng, NH lại có thể làm trung gian môi giới cho DN mua/bán USD thỏa thuận với nhau để hưởng hoa hồng. Còn trong trường hợp tỷ giá thị trường tự do thấp hơn tỷ giá niêm yết tại NH thì DN cũng không được phép mang USD bên ngoài vào nộp trả nợ mà phải mua USD của NH với giá cao hơn…

Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, nếu nhìn xa hơn, việc dư nợ ngoại tệ tiếp tục không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến mất cân đối cung cầu ngoại tệ, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Bởi lẽ khi đến kỳ trả nợ NH, DN không có nguồn thu USD sẽ phải mua ngoài thị trường, điều này chắc chắn sẽ tạo nên hiện tượng "sốt" USD ảo và hệ quả là tỷ giá ổn định được thiết lập từ đầu năm đến nay sẽ có nguy cơ bị phá vỡ... Thành quả chống đô la hóa nền kinh tế được đánh giá là khá thành công trong 6 tháng đầu năm theo đó cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để có thể kiểm soát dư nợ ngoại tệ tại các NHTM, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa kiến nghị NHNN nên sửa Thông tư 07 theo hướng thu hẹp đối tượng cho vay ngoại tệ theo hướng chỉ cho những DN xuất khẩu có khả năng tái tạo ngoại tệ vay.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết thêm: Ngoài biện pháp trên, NHNN có thể sử dụng hai biện pháp khác. Đó là nâng dự trữ bắt buộc ngoại tệ của các NHTM từ 8% hiện nay lên 10%, thậm chí là 15% để các NH phải tăng chi phí đầu vào, từ đó buộc phải tăng lãi suất cho vay USD, giảm dần lợi thế của việc vay USD trong tương quan với việc vay VND. NHNN cũng cần phải có chế tài xử phạt thật mạnh, nghiêm túc những trường hợp NHTM vi phạm để lập lại trật tự trên thị trường; không thể cứ tiếp tục "nhằm mắt làm ngơ" để các NHTM phớt lờ quy định, vô tư "đi đêm" với cả khách hàng lẫn DN để thu về lợi nhuận, còn rủi ro thì nền kinh tế gánh.

 

                                                                           Theo Báo CAND

 

Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục