Do các lệnh trừng phạt của phương Tây, cả Nga và Iran đang cạnh tranh khách hàng để cung cấp dầu với mức chiết khấu đáng kể.


Dầu của Iran sẽ phải cạnh tranh với dầu của Nga tại các thị trường châu Á. Ảnh: Reuters
Bất chấp các vòng trừng phạt chống Moskva, một số quốc gia vẫn tiếp tục tăng mua dầu từ Nga. Do đó, các nhà cung cấp khác, cũng đang gặp phải các vấn đề trừng phạt, phải tăng chiết khấu đối với dầu của họ để cạnh tranh với Nga. Đặc biệt, Iran đã tham gia cuộc cạnh tranh này sau khi Nga tăng đáng kể nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc.

Cho đến nay, dầu Urals của Nga có vẻ hấp dẫn hơn đối với khách hàng từ châu Á do được giảm giá. Các chuyên gia cho rằng việc giảm giá sẽ tiếp tục đảm bảo doanh số bán dầu của Nga và quy mô giảm giá có thể tăng lên mà không gây tổn thất nhiều cho ngân sách Nga, đặc biệt nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng. 

Theo Bloomberg, việc giảm giá dầu của Nga giúp Moskva bán được nguyên liệu thô và buộc các nước khác cũng phải giảm giá. Cụ thể, Iran buộc phải tăng lượng chiết khấu đối với dầu xuất khẩu để cạnh tranh với Nga trên thị trường chủ chốt của cả hai nước - Trung Quốc. Các loại dầu của Iran như dầu thô ngọt nhẹ (Brent) đang được bán với giá rẻ hơn khoảng 10 USD/thùng so với dầu Brent có mức chiết khấu 4-5 USD/thùng trước sự kiện ở Ukraine. Do đó, giá dầu của Iran xấp xỉ giá hợp đồng cung cấp dầu Ural của Nga hồi tháng 8 năm ngoái.

Bloomberg cho rằng Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà nhập khẩu chính của dầu Nga và Iran sau khi các nước này chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. "Sự phục hồi của hoạt động kinh tế ở Trung Quốc sau khi phong tỏa vì COVID-19 hứa hẹn nhu cầu nhiên liệu tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh giữa Iran và Nga ở Trung Quốc”, Bloomberg lưu ý.

Một số nhà phân tích nhận định rằng dầu của Nga đã hạn chế một phần nguồn cung của Iran, vì Urals có đặc điểm tương đương với loại dầu của Iran.

Trên thực tế, Trung Quốc đã tăng đáng kể nhập khẩu dầu của Nga và Iran trong những tháng gần đây. Theo ước tính của công ty Kpler (có tính đến dữ liệu từ các thương nhân), Iran đã xuất khẩu hơn 700 nghìn thùng dầu mỗi ngày sang Trung Quốc trong tháng 5 và tháng 6, trong khi vào tháng 1 là dưới 600 nghìn thùng/ngày. Đồng thời, vào tháng 5 và tháng 6, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 1,1 triệu thùng/ngày từ Nga, so với vào tháng 1 năm nay chỉ khoảng 920 nghìn thùng/ngày, theo dữ liệu của Kpler.

Trong khi đó, các nước châu Phi đã giảm đáng kể nguồn cung cho Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh giữa Iran và Nga. Jane Xie, nhà phân tích dầu cao cấp của Kpler cho biết: "Dòng dầu từ Tây Phi trong tháng trước đạt trung bình 642.000 thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2013".

Các công ty khai thác dầu khác cũng ghi nhận nhu cầu về nguyên liệu thô của họ giảm. Cụ thể, Bloomberg trích dẫn dữ liệu của các thương nhân, báo cáo rằng dầu của Iraq thuộc Basrah Medium (theo hợp đồng dài hạn) hoặc Basrah Heavy (trên thị trường giao ngay) không tìm thấy một người mua nào trên thị trường châu Á trong chu kỳ giao dịch hiện tại. Trước đây, luôn có những người mua dầu từ Iraq ở Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng trong chu kỳ giao dịch này, họ đã chuyển sang nhận hàng từ Nga.

Hiện không chỉ có Trung Quốc thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với dầu mỏ của Nga. Trong cùng tháng 5, Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Ấn Độ. Vào tháng 5, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã nhận được gần 820.000 thùng dầu mỗi ngày của Nga. Đây là con số cao nhất trong lịch sử. Hồi tháng 4, khoảng 277.000 thùng mỗi ngày được gửi đến Ấn Độ từ Nga.

Lý do chính cho sự quan tâm đến dầu của Nga là mức độ giảm giá. "Hiện tại, dầu Urals của Nga chính thức được giao dịch ở mức 88 USD/thùng, trong khi dầu Brent ở mức 111 USD/thùng. Tuy nhiên, trên thực tế, hồi tháng 4-5, mức chiết khấu đối với dầu của Nga đã lên tới 30%, và theo tin đồn, Ấn Độ được cho là đã giao dịch với mức chiết khấu 50%”, Andrey Maslov, một nhà phân tích tại Finam, lập luận.

Theo Artem Tuzov, giám đốc điều hành của Univer Capital, liên quan đến việc EU và Mỹ từ chối nhập dầu và các sản phẩm dầu của Nga, việc phân phối lại nguồn cung trên thế giới đang diễn ra. "Do giảm giá, Nga đã phân phối lại một phần khối lượng cho Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này đã tạo ra một thị trường mới cho người mua. Tất nhiên, Iran, quốc gia cũng bị hạn chế về khả năng cung cấp dầu trên toàn thế giới, buộc phải hạ giá", chuyên gia Tuzov nói.

Artem Tuzov lưu ý rằng xét về lâu dài trên thị trường, EU và Mỹ sẽ buộc phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế dầu và các sản phẩm dầu của Nga. Do đó, Iran "đang ở một vị trí thuận lợi trong việc cung cấp một phần dầu mỏ của mình cho Mỹ và EU thay vì sang Trung Quốc ”.


                                         TheoBaotintuc

Các tin khác


G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Nổ súng vào đám đông dự tiệc ở Mỹ, ít nhất 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ nổ súng tại một bữa tiệc đường phố ở thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục