(HBĐT) - Theo sách "Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”, xóm Trại thuộc xã Trung Hoàng, tổng Trung Hoàng, phủ Lạc Thổ, đạo Thanh Bình. Năm 1886, xóm Trại thuộc địa phận Mường Vang xưa, nay thuộc các xã Quý Hoà, Tân Lập, Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Với địa hình bao bọc xung quanh là núi đá vôi, hang xóm Trại nằm ở giữa là thung lũng đồng bằng rộng lớn được người dân canh tác lúa nước.


Hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn) còn lưu giữ nhiều cổ vật quý của nền Văn hóa Hòa Bình.

 Đứng từ trên đỉnh núi đá này có thể nhìn bao quát hết cả xã Tân Lập. Nơi đây phát hiện ra nhiều dấu tích của người cổ xưa nằm trên hang núi đá độc đạo giữa xóm. Năm 1980, nhân chuyến công tác nghiên cứu lập bản đồ của phương án Hoà Bình - Tân Lạc. Đoàn địa chất 203 đã phát hiện dấu vết văn hoá nguyên thuỷ ở hang xóm Trại, thu được 108 hiện vật đá và một số xương động vật các loại.

Năm 2004, tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam á đã phát hiện dấu mòn đi lại tiền sử dài chừng 6 mét ở phía nam cửa hang. Khi mới phát hiện, hệ thống các dấu mòn này nằm sâu 60 -70 cm, có niên đại 8.000 – 9.000 năm, hiện trạng gần như nguyên vẹn.

Đoàn khảo sát cũng đã phát hiện ngách đi vào hang sớm nhất của những người nguyên thuỷ đầu tiên sử dụng hang này. Ngách đi này nằm sâu dưới mặt tầng văn hoá cổ chừng 4 mét, len qua khoảng cách giữa các khối đá lăn với vách cửa hang. Đoàn đã gửi hơn 20 mẫu từ ốc, hạt, qủa, xương thú… sang Đức để nghiên cứu và bảo quản. Đây là một trong những hang được phát hiện vào loại quý hiếm của thế giới.

Trước đây, xóm Trại là vùng rừng rậm rạm, chủ yếu là cây sồi dẻ rất phát triển. Con người sơ khai sinh sống bằng hái lượm sồi dẻ, bắt và săn bắn tại khu vực này. Hiện tại, 6 vết mòn sâu và lớn đã được phát hiện bên dưới tầng Văn hoá Hoà Bình đã và đang trong quá trình bị nước nhũ kết cứng. So với hệ thống vết mòn phát hiện trước đó thì những dấu vết mới phát hiện này có độ mòn sử dụng lâu và rõ rệt hơn nhiều. Điều đó chứng tỏ, đây là nơi mà con người nguyên thuỷ đã từng cư trú và là phát hiện về con người cổ nhất trên thế giới.

Trong di tích hang đá xóm Trại, ngoài các hiện vật bằng đá, xương, sừng gốm các nhà khảo cổ còn thu được khá nhiều tàn tích các vỏ nhuyễn thể và thực vật. Đặc biệt là đã tìm thấy một ngôi mộ nằm ở địa tầng có niên đại trên 17.000 năm. Di tích của người xưa để lại còn có một số bếp lửa, trong đó rõ nhất là chiếc bếp được xếp bởi ba hòn đá lớn, khá đẹp và điển hình với đống tro tàn màu đỏ sậm. Cho đến nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa hoàn toàn giải mã hết những bí ẩn lưu giữ tại hang đá xóm Trại.

Đến hang đá xóm Trại, chúng ta được tìm hiểu cuộc sống của người tiền sử văn hóa Hòa Bình. Theo lối đi cổ 21 ngàn năm tuổi như dẫn du khách về với thuở sơ khai của trời đất. Lòng hang đá xóm Trại khá rộng, phía trên, vòm hang chia thành ba ngăn, ngăn giữa cao nhất với hai hốc lõm vào như hai quả trứng gà khổng lồ dính liền.

Cuối năm 2014, tiến sỹ Nguyễn Việt là một trong những người sáng lập "Câu lạc bộ bạn của những người yêu mến Văn hóa Hòa Bình” đã đứng ra kêu gọi bạn bè và các nhà hảo tâm yêu mến di sản dân tộc đóng góp tiền của để khắc phục tình trạng đá lở và tu sửa lại ngôi chùa đã bị đá rơi làm hư hại, mong muốn nơi đây sẽ trở thành một trong những cái nôi của Văn hóa Hòa Bình.

 

                                                      Việt Lâm

 

 

Các tin khác


Bài 4: Một số di tích khảo cổ tiêu biểu của Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - 1 - Di tích hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn): Từ khi phát hiện cho tới nay đã có tới 8 cuộc điều tra, thám sát, khai quật tại di tích. Những giá trị tiêu biểu: Đã phát hiện số lượng di vật đá xương phong phú nhất lên tới trên 5.000 tiêu bản.

Túi khót thầy mo Mường

(HBĐT) - Túi khót của thầy mo Mường là túi vải đựng những vật thể được cho là linh thiêng, đồ tế khí được dùng làm vật hộ thân, là công cụ trấn trị ma quỷ trong hành nghề của mình.

A1 - huyền thoại một ngọn đồi

(HBĐT) - Trong 39 ngày đêm chiến đấu kiên cường, máu, mồ hôi, nước mắt của bộ đội ta thấm đẫm đồi A1. Có những chiến sỹ cả ngày chịu đói vẫn chốt chặt vị trí chiến đấu. Nhiều người vừa đánh địch vừa bảo vệ thương binh. Có chiến sỹ bị thương vẫn gan dạ yểm trợ cho đồng đội tấn công.

Thị xã bên sông Đà anh dũng trong chống Mỹ

(HBĐT) - Sông Đà – dòng sông của thác ghềnh, dữ dội ngày nào giờ hiền hòa, lung linh trong ánh điện của công trình thế kỷ. Với người dân thị xã Hoà Bình xưa, dòng sông như nhân chứng, biểu tượng cho những con người anh dũng, quả cảm của biết bao thế hệ đã lên đường chiến đấu, hy sinh, góp phần cùng cả nước dành độc lập tự do ngày hôm nay.

Những địa điểm không thể bỏ qua khi đi du lịch ở Hòa Bình

Du lịch Hòa Bình hấp dẫn du khách bởi những nét văn hóa vô cùng đặc sắc của các dân tộc miền nùi đang sinh sống tại đây

Miền đất cổ Mường Bi - Tân Lạc tạo được bước chuyển mới trong phát triển KT-XH

(HBDT) - Trước đây, Tân Lạc thuộc huyện Lạc Thổ, phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình. Cho đến khi thực dân Pháp lập tỉnh Mường Hòa Bình, vùng Tân Lạc nằm trong 2 tổng Lạc Thiện và Lạc Nghiệp, phủ Lạc Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục