(HBĐT) - Vừa rồi đi họp lớp, được gặp lại bạn bè tôi thấy ai cũng "phát tướng” hơn, nói cười hớn hở. Trong cuộc vui ngày hội ngộ, mọi người đều thấy thiếu một bạn nam. Có người thắc mắc: "Tâm đâu? Bùi Văn Tâm, hình như ở một tỉnh Tây Bắc nào đó nhỉ?”.

Thực ra Tâm hơn chúng tôi một tuổi, anh có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành, cần cù, chịu khó. Ra trường, mỗi người một nơi, chỉ biết quê anh ở vùng núi Hoà Bình, từng nghe loáng thoáng anh kể chuyện du kích ngày còn ở chung ký túc xá. 

Lần này lên đây, tôi cũng vừa đi thực tế, vừa có ý định rò hỏi về Hùng Tiến của anh. Đang miên man trong hoài niệm bỗng cậu lái xe giảm ga, miệng lẩm bẩm: "Thôi xong, đợi cái nhà ông này bốc hàng bao giờ mới xong…”. Nghển cổ ngó ra đằng trước, tôi thấy một chiếc xe tải đang đỗ chình ình trước cửa một ngôi nhà ven đường. Có vẻ lo lắng sợ ách tắc giao thông, chủ nhà bước ra gần phía xe tôi có lời: "Các bác thông cảm, em đang bốc hàng một chút, nhập thêm ít thiết bị mới cho thằng con trai. Mời các bác vào uống chén nước…”. Phút chốc, tôi bàng hoàng nhận ra: "Ôi Tâm, có đúng là Tâm không?”. 
Xe táp vào vệ đường. Chúng tôi ngồi trước ngôi nhà ba tầng khang trang của Tâm, bên ấm trà xanh, nghe bạn kể về chặng đường gây dựng cơ nghiệp trên quê hương mà tôi ngỡ như đang được xem một bộ phim tư liệu. Bất chợt, nhớ đến mục đích của chuyến đi, tôi hỏi Tâm:
- À này, cậu có biết thông tin gì về chi bộ đâu tiên của vùng đất "chén vàng” xưa kia không? 
- Thì đây, ông đang ở trên đất Hùng Tiến, nơi có chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ngày 11/5/1947.
- Nghe nói ngày đó, thanh niên toàn xã đều vào tự vệ đúng không? 

Theo lời Tâm, chúng tôi bước vào nhà, châm hương, cùng kính cẩn cúi đầu trước di ảnh của ông nội anh và sau đó được Tâm kể lại tỉ mỉ. Năm đó, khi giặc Pháp quay trở lại gây hấn trên toàn Đông Dương, đội tự vệ với 36 chiến sĩ đầu tiên ở đây đã ra sức luyện võ, tập bắn súng, chế tạo chông, làm các loại bẫy để đánh giặc. Ông nội anh khi đó mới 17 tuổi nhưng vóc dáng cao lớn, được giác ngộ cách mạng đã cùng toàn đội mưu trí, dũng cảm ba lần đánh lui đợt tấn công của quân Pháp ở dốc Cõi. 
- Đúng là tôi không ngờ đấy, nhìn phong cảnh Hoà Bình và đặc biệt là mảnh đất Kim Bôi bình yên như thế này mà đã từng trải qua những năm tháng ác liệt như thế - tôi thốt lên.
Rót thêm nước vào chén cho tôi, Tâm   trầm ngâm:

- Suy cho cùng, tất cả đều đúng như câu nói của các thầy dạy mình ngày xưa ông nhỉ. Thầy bảo sức mạnh truyền thống có giá trị rất lớn. Nếu xưa kia các thế hệ cha ông không kiên cường đứng lên, xoá bỏ ách nô lệ, giành lại đất đai của tiên tổ thì thế hệ cháu con sẽ không có điểm tựa tinh thần. 
Tôi nhớ đến những thông tin mà mình đã cập nhật trước khi đến đây:
- Tâm à. Giờ khu này thuộc về Nật Sơn phải không, thảo nào tôi đi tìm cái tên Hùng Tiến không thấy. À, thế cậu được mấy cháu, chúng nó giờ chắc cũng ổn định rồi chứ? 
- Tớ được hai đứa, thằng cả học xong trung cấp kĩ thuật ở với vợ chồng tớ, con gái út học sư phạm lấy chồng cũng gần đây. Đúng là cũng như thế hệ các cụ xưa, chúng nó giờ năng động lắm ông ạ. Bọn trẻ dám nghĩ, dám làm không chê đất khó. Ngày xưa, cha ông ta dựa vào địa thế đánh giặc, nay tụi nó cũng dựa vào chất đất, cây trồng mà thoát nghèo từ chính nơi đây.
Thấy tôi còn chưa rõ đầu đuôi câu chuyện, Tâm dắt tay tôi bước trên con đường bê tông, vừa đi, vừa giải thích:
- Cậu còn nhớ, ngày đi thực tế, hai đứa mình đói quá đem đèn xuống suối mò được rổ ốc đem về luộc nhưng ăn không được ngon là vì hôm ấy thiếu gì không?
- Có, tớ nhớ, thiếu sả chứ còn gì nữa.
- Đó, đó, cậu thấy chưa? Cây sả rất hợp với đất đồi thấp và chân ruộng một vụ như chỗ này. Các cháu nó nhận ra điều ấy, cùng hợp sức lại, canh tác và mở cái hợp tác xã làm tinh dần sả làm ăn được lắm ông ạ!
Qua tìm hiểu, tôi được biết hợp tác xã này dựa trên diện tích thâm canh sả để thu mua nguyên liệu và tiến hành ép lấy tinh dầu thay vì bán sả tươi với giá thành thấp như trước đây. Nhờ vậy, thanh niên trong khu vực cũng có thêm việc làm, đời sống ổn định, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo…
Nghe tiếng Tâm gọi, một thanh niên chừng ba mươi tuổi chạy ra, lễ phép cúi chào tôi.
- Giới thiệu với con, đây là chú Hiếu, bạn học với bố. Giờ chú ấy làm ở một tờ báo lớn ở Hà Nội. Con cung cấp thêm cho chú tư liệu nhé. Trưa về sớm tí giúp bố thịt nhím. Ở Hà Nội chú Hiếu toàn phải ăn thịt trong tủ cấp đông phải có món tươi tươi tí.
Nheo mắt cười với tôi, Tâm kể:
- Mình bao năm làm anh giáo nhưng không chịu sống như "giáo Thứ, giáo Hộ” trong truyện của cụ Nam Cao đâu nhé. Tớ đi dạy về luôn tay luôn chân, nuôi gà, chăm ao cá, chuồng bò, nuôi cả nhím… đấy. Thôi thì cứ cây nhà, lá vườn có đồng ra, đồng vào, lúc họ hàng ra chơi, bạn bè ghé qua lại có món lên mâm… 
Một ngày thăm nhà Tâm, tôi đã hiểu ra nhiều điều, từ truyền thống cách mạng đến những chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền cơ sở rồi đến khát vọng vươn lên của những người dân nơi đây. Trước khi về, cậu bạn đi cùng còn cẩn thận hỏi tôi:  "Có cần đi tiếp không anh?”. "Đi đâu nữa, chúng ta đang đứng trên mảnh đất "chén vàng” cũng chính là nơi người dân đang tự làm giàu bằng bàn tay, khói óc của mình rồi đó…”.
Chia tay Tâm trong những ngày bà con chuẩn bị vui đón Tết Độc lập. Tâm cứ nhắc mãi: 
- Lần này bận thì thôi nhưng năm sau nhớ phải lên nhé, đưa cả vợ con lên vui Tết Độc lập với quê hương tôi.
- Nhất định rồi Tâm ạ. Quê bạn giàu đẹp và yên bình lắm. Đúng là một mùa thu thật khác đúng như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi: "Mùa thu nay khác rồi…”.

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục