Giselle là một vở ballet hai màn lãng mạn, được công diễn lần đầu tại Học viện Nhạc kịch Hoàng gia tại Salle Le Peletier, Paris, Pháp vào ngày 28/6/1841. Vở ballet này đã ngay lập tức được hưởng ứng nồng nhiệt và nhanh chóng phổ biến khắp Châu Âu, Nga, Mỹ.

Nội dung vở ballet Giselle

 

Màn 1

Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng chan hòa ánh nắng ở Rhineland vào thời Trung cổ, khi công việc thu hoạch đang diễn ra. Công tước Albrecht của vùng đất Silesia, vốn là một chàng quý tộc trẻ, đã cải trang thành một anh nông dân thu hoạch yến mạch tên là Loys. Gạt bỏ lời khuyên của người hộ vệ, Albrecht đã tán tỉnh cô gái vùng quê xinh đẹp và nhút nhát Giselle. Nhưng thật ra Albrecht sắp kết hôn với công chúa Bathilde, và Giselle chẳng hay biết gì về thân phận thật sự của Loys.

Hilarion là người giám thủ đất cấm săn trong vùng. Anh thật lòng yêu Giselle và cố thuyết phục cô đừng tin lời đường mật của Loys, nhưng Giselle không thể quyết định được. Cô gái nông dân trong sáng đã ngắt từng cánh của một bông hoa, thầm thì "Anh ấy yêu mình… Anh ấy không yêu mình”, để phỏng đoán sự thành thật của người yêu. Khi Loys và Giselle nhảy múa được một lúc, mẹ của Giselle đã can thiệp và đẩy nàng vào trong nhà. Bà Berthe luôn lo lắng bảo vệ con gái, bởi Giselle chưa bao giờ khỏe mạnh, cô bị bệnh tim.

Vở ballet Giselle: Vị tha là biểu hiện đẹp nhất của tình yêu chân thật
"Anh ấy yêu mình… Anh ấy không yêu mình”, cô gái nông dân trong sáng ngắt từng cánh hoa… (Ảnh qua Pinterest) 

Một bữa tiệc của giới quý tộc sẽ được tổ chức tại làng sau buổi săn bắn căng thẳng. Albrecht nhanh chóng lỉnh đi vì công chúa Bathilde cũng có mặt ở đó. Dân làng chào mừng các vị khách, mời họ thức uống và biểu diễn những màn nhảy múa vui nhộn. Bị thiên tính ngọt ngào và e lệ của Giselle lôi cuốn, công chúa Bathilde đã tặng nàng một chiếc dây chuyền trước khi nhóm quý tộc rời đi. Nhận được món quà từ vị nữ quý tộc lạ mặt, Giselle vui sướng vô cùng.

Vở ballet Giselle: Vị tha là biểu hiện đẹp nhất của tình yêu chân thật
Giselle say mê nhảy múa cùng Loys. (Ảnh qua russianbroadway.com) 

Dân làng tiếp tục lễ hội để mừng mùa thu hoạch, và Albrecht lại xuất hiện trong vai anh nông dân Loys để nhảy với Giselle, người được vinh danh là Nữ hoàng của lễ hội. Trong khi đó, Hilarion phát hiện ra thanh kiếm của Albrecht, và lấy đó làm chứng cứ vạch trần thân thế của anh nông dân Loys. Hilarion cũng sử dụng chiếc tù và đi săn của Albrecht để gọi nhóm quý tộc quay trở lại.

Vở ballet Giselle: Vị tha là biểu hiện đẹp nhất của tình yêu chân thật
Hilarion vạch trần Loys qua thanh kiếm. (Ảnh qua londoncoliseum.org) 

Không còn gì để giải thích, và cũng không có thời gian để trốn, Albrecht chỉ còn cách là chào đón Bathilde, vị hôn thê của mình. Mọi người đều bàng hoàng trước sự thật, mà đau xót nhất vẫn là Giselle. Tất cả những khoảnh khắc âu yếm mà cô và Loys đã từng chia sẻ bỗng vụt qua trước mắt cô trong giây lát. Biết rằng sẽ không bao giờ được ở bên người mình yêu, trong cơn đau khổ cùng cực, Giselle đã nhảy múa điên cuồng rồi chết trong vòng tay Albrecht.

Mẹ Giselle khóc nức nở ôm thi thể con gái, bên cạnh là Albrecht. (Ảnh qua operaandballet.com) 

Hilarion và Albrecht nhìn nhau trong giận dữ, trước khi Albrecht chạy trốn khỏi bi kịch đau thương. Rèm sân khấu đóng lại trong khi bà Berthe vẫn đang ôm con gái mình khóc nức nở.

Màn​​ 2

Vào một buổi đêm ít lâu sau khi Giselle mất, Hilarion ngồi than khóc trước ngôi mộ của người mình yêu ở trong rừng. Đột nhiên, đám Wilis xuất hiện. Họ là hồn ma của các cô gái trong trắng bị người yêu phụ bạc, dẫn đầu bởi nữ hoàng tàn nhẫn Myrtha. Những Wilis thường đi lang thang trong khu rừng vào ban đêm, trả thù bất cứ người đàn ông nào mà họ bắt gặp, bằng cách ép nạn nhân nhảy múa cho đến chết vì kiệt sức.

Vở ballet Giselle: Vị tha là biểu hiện đẹp nhất của tình yêu chân thật
Các Wilis đánh thức Giselle. (Ảnh qua dancetabs.com) 

Hilarion nhanh chóng rời đi trong sợ hãi. Còn những Wilis, như cảm nhận được cái chết đau đớn của Giselle, đã đánh thức cô khỏi mộ và công nhận cô là một thành viên của chúng trước khi biến mất trong khu rừng tối…

Albrecht mang hoa đến viếng mộ Giselle, khóc thương cho nàng trong mặc cảm tội lỗi. Linh hồn Giselle hiện ra và Albrecht cầu xin nàng tha thứ cho mình. Vẫn rất yêu Albrecht, Giselle đã dịu dàng tha thứ cho anh. Sau đó, nàng biến mất, để gia nhập cùng đám Wilis, trong khi Albrecht tuyệt vọng và liều lĩnh đuổi theo nàng.

Giselle tha thứ cho Albrecht. (Ảnh qua operaandballet.com) 

Trong khi đó, ở phía bên kia, các Wilis đang dồn ép Hilarion vào đường cùng. Ma thuật của họ đã khiến anh ta nhảy múa cho tới kiệt sức, rồi bị chết đuối trong một cái hồ gần đó. Đám Wilis quay sang Albrecht, phán bảo rằng anh ta cũng phải chết.

Vở ballet Giselle: Vị tha là biểu hiện đẹp nhất của tình yêu chân thật
Các Wilis phán rằng Albrecht cũng phải chết… (Ảnh qua romeopera-tickets.com) 

Albrecht cầu xin Myrtha tha mạng cho mình, nhưng bị bà lạnh lùng từ chối. Giselle cũng cầu xin thay cho Albrecht, nhưng không thành. Và Albrecht bị ép nhảy múa không ngừng nghỉ. Thế nhưng, len lỏi vào sự lạnh lùng của các Wilis, Giselle đã bảo vệ cho người mình yêu thương khỏi bị hại chết.

Vở ballet Giselle: Vị tha là biểu hiện đẹp nhất của tình yêu chân thật
Giselle phá bỏ sợi xích căm hờn và báo thù ràng buộc nàng. (Ảnh qua noticias.iruya.com) 

Mặt trời mọc, và các Wilis trở lại bia mộ của mình. Trong khi đó, Giselle với tình yêu và sự vị tha, đã phá bỏ sợi xích căm hờn và báo thù vốn ràng buộc nàng với các Wilis khác. Các Wilis sẽ không còn có thể kéo nàng ra khỏi nấm mồ của nàng vào ban đêm…

Giselle dịu dàng chào tạm biệt Albrecht và trở lại ngôi mộ của mình, yên nghỉ trong thanh thản.

Cuối cùng, Giselle tạm biệt Albrecht và thật sự yên nghỉ trong thanh thản. (Ảnh qua russianbroadway.com)

Âm nhạc và vũ đạo 

Phần âm nhạc của vở ballet Giselle do nhà soạn nhạc nổi tiếng thế kỷ 19 của Pháp, Adolphe Adam, đảm nhận. Âm nhạc của Giselle được Adam hoàn thành một cách thần tốc chỉ trong vòng hai tháng. Âm hưởng chủ đạo của vở ballet là những nốt nhạc êm dịu, theo dòng nhạc thịnh hành thời bấy giờ gọi là catilena. Người yêu nhạc rất quen thuộc với kiểu âm nhạc này qua các vở opera như Norma của Bellini hay Lucia di Lammermorr của Donizetti.

Adam sử dụng một số nét nhạc xuyên suốt toàn bộ vở ballet gọi là leitmotifs. Đây là thuật ngữ âm nhạc miêu tả một số đoạn nhạc được sử dụng thường xuyên trong suốt một vở ballet, đại biểu cho một số nhân vật, sự kiện hay tư tưởng. Adam sử dụng một số leitmotifs cho một số nhân vật trong vở ballet Giselle, ví dụ như mỗi khi nhân vật Hilarion xuất hiện đều có những đoạn motif báo hiệu, như khúc "Định mệnh” (bản giao hưởng số 5 của Beethoven).

Hilarion bị ép nhảy múa đến kiệt sức. (Ảnh qua judebgallery.wordpress.com) 

Một đoạn leitmotifs cũng thường xuất hiện trong cảnh 1 là đoạn Giselle ngắt cánh hoa để phỏng đoán sự thành thật của Loys – một trò chơi phổ biến ở Pháp mang tên "Yêu… không yêu”. Đoạn leitmotifs này thường được lặp lại trong một số cảnh của Giselle và Albrecht.

Các linh hồn hận thù Wilis cũng có những đoạn nhạc riêng của mình. Nhạc của đám Wilis vang lên trong khúc mở đầu ở Màn 1, khi bà Berthe, mẹ của Giselle, kể câu chuyện về những hồn ma nữ hận thù. Nó cũng vang lên ở Màn 2 khi các Wilis xuất hiện.

Vở ballet Giselle: Vị tha là biểu hiện đẹp nhất của tình yêu chân thật
Giselle và Albrecht cùng các Wilis. (Ảnh qua russianbroadway.com) 

Mặc dù âm nhạc của Giselle không được liệt vào dạng kiệt tác, nhưng nó đã làm tròn vai trò của mình trong một vở ballet. Âm nhạc trong Giselle có màu sắc, thể hiện được tâm trạng trong cảnh huống. Ngày nay khi nghe giai điệu đi săn được soạn cách đây hơn một thế kỷ, ta vẫn có thể lập tức nhận ra được cảnh tượng năm xưa.

Về vũ đạo thì Giselle được hai vũ công là Jean Coralli và Jules Perrot dàn dựng. Perrot chịu trách nhiệm thiết kế vũ đạo cho tất cả các điệu nhảy của Grisi – nữ vũ công thủ vai chính Giselle. Giselle được tạo thành từ hai yếu tố vũ đạo và kịch câm. Màn 1 hoàn toàn là các đoạn kịch câm ngắn, các chương đoạn nhảy múa đều hợp nhất với kịch câm. Trong màn 2, toàn bộ các đoạn kịch câm đều hợp nhất với vũ đạo. Beaumont cho rằng các bước nhảy đơn giản thực ra được thiết kế có chủ ý sao cho sự diễn cảm được thể hiện tới mức tối đa nhất.

Vở ballet Giselle: Vị tha là biểu hiện đẹp nhất của tình yêu chân thật
Các Wilis. (Ảnh qua dancetabs.com) 

Ngày nay có nhiều phần trong vở Giselle đã bị cắt hoặc thay đổi so với thời kỳ công diễn đầu tiên. Ví như trong Màn 1, những cảnh kịch câm khi Giselle kể cho Albrecht nghe về giấc mơ kỳ lạ của cô đã bị cắt, hay các cảnh múa đôi của những người nông dân cũng bị cắt đi một vài đoạn. Ngoài ra còn có cảnh công tước xứ Courland và con gái ông là Bathilde xuất hiện trên lưng ngựa, nhưng ngày nay họ chỉ đi bộ vào sân khấu. Trong vở diễn ngày xưa, hai cha con còn xuất hiện khi Giselle qua đời nhưng ngày nay họ rời đi khi ở phân cảnh trước khi cô chết.

Thiết bị trước kia được sử dụng để làm Giselle bay lên hay biến mất ngày nay cũng không còn được sử dụng. Ngày nay, một thang máy thỉnh thoảng được sử dụng để mô tả cảnh Giselle đội mồ đi lên hay về lại mồ ở cuối Màn 2. Trước đó, cuối Màn 2 còn có đoạn Bathilde và một số cận thần đi tìm Albrecht. Chàng ta sẽ tiến vài bước về phía họ rồi ngã vào vòng tay họ. Khoảnh khắc này là một tuyến nghệ thuật song song với đoạn cuối Màn 1 khi những người nông dân đứng tụ lại xung quanh thi thể của Giselle. Ngày nay, Bathilde và các cận thần bị cắt, chỉ còn một mình Albrecht chậm rãi rời sân khấu trong cô độc.


Theo Tintucvn.org

Các tin khác


Đất nước tươi đẹp qua ảnh của Vũ Hải

Ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hải - vừa nhận kỷ lục quốc gia ‘Người được nhiều giải thưởng triển lãm ảnh thế giới nhất’ - mang đến những khung cảnh khi mát lành, khi lộng lẫy về đất nước tươi đẹp, và những khoảnh khắc trân quý cuộc đời.

Đồng bào Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, ấm áp

Kiên Giang có hơn 13% dân số là đồng bào Khmer (đứng thứ ba khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh) với khoảng 56.400 hộ, 238.000 nhân khẩu. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm nay diễn ra từ 14 - 16/4/2023 (nhằm 24, 25 và 26 tháng 2 Âm lịch).

Tự hào với 22 di sản thế giới tại Việt Nam

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài 4000 năm lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với 22 di sản được UNESCO vinh danh.

Kiến trúc độc đáo nhà dài truyền thống của người Ê Đê

Đồng bào Ê Đê sinh sống tập trung chủ yếu trên cao nguyên Đắk Lắk, ngoài ra còn có một số nhóm người Ê Đê định cư ở các địa bàn thuộc tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa… Từ thời xa xưa, người Ê Đê đã làm những ngôi nhà sàn dài để ở và tránh thú dữ. Nhà dài truyền thống Ê Đê đã đi vào sử thi, truyện cổ, âm nhạc, hội họa như những trang huyền thoại.

Khám phá di sản văn hóa nổi tiếng thế giới – Qua chuỗi 6 nước châu Âu “Ý – Thụy Sĩ – Pháp – Bỉ – Hà Lan – Đức”

Châu Âu đã quá nổi tiếng với quá trình xây dựng lịch sử văn hóa và kinh tế tương đối lâu đời, mang đậm nét Hy Lạp cổ đại. Với bề dày lịch sử, các thành phố luôn là điểm thu hút đối với những du khách muốn tìm hiểu một trong những nền văn hóa và văn minh bậc nhất thế giới này.

Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận?

Bạn có thể tự hào khi biết rằng ngoài 3 di sản thiên nhiên thế giới thì Việt Nam có tới 15 di sản văn hóa thế giới và 4 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục