(HBĐT) - "Chỉ cần cung cấp một số thông tin như: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu, thông tin liên lạc của người thân, bạn bè, đồng nghiệp... là đã có thể vay được tiền"... Tin vào lời mời chào hấp dẫn của các công ty tín dụng, app vay tiền trực tuyến, nhiều người không chỉ biến bản thân mà còn lôi cả người thân, bạn bề, đồng nghiệp trở thành nạn nhân của kiểu "đòi nợ khủng bố" gây bức xúc hiện nay.


Liên tục trong thời gian gần đây, chị Hà ở TP Hoà Bình nhận được điện thoại và tin nhắn của một người tự xưng là nhân viên công ty tài chính thông báo về việc quá nợ của một người lạ mà chị không hề quen biết. Chị Hà cũng không hiểu tại sao người này lại có số máy của chị để liên tục gọi điện, nhắn tin. Chị Hà cho biết: Bức xúc ở chỗ khi tôi nghe điện thoại và nói là nhầm số, cũng không quen biết gì với người vay nợ thì người này tỏ ra không tin, cố tình kéo dài cuộc gọi chất vấn. Sau đó, tôi liên tục nhận được tin nhắn thông báo về khoản nợ của một người nào đó mà tôi không hề quen biết.

Cũng như chị Hà, anh Đinh Văn Hiểu ở huyện Kim Bôi liên tục nhận được cuộc gọi của nhân viên tín dụng yêu cầu xác minh thông tin. Theo anh Hiểu, người này ban đầu hỏi thông tin về một người quen, do lần đầu nhận được cuộc gọi, chưa hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, anh xác nhận có quen biết với người này, người gọi điện lập tức tự xưng là nhân viên công ty tín dụng và bắt đầu... đòi nợ, yêu cầu anh "có trách nhiệm" giúp công ty đòi nợ, mặc dù anh không biết gì về khoản nợ nói trên. Anh Hiểu bức xúc: Bực nhất là khi đang bận việc, đang họp thì họ gọi điện, cách gọi điện không khác gì khủng bố, dùng nhiều số điện thoại để gọi, gọi đi gọi lại nhiều lần, thậm chí dọa nạt mặc dù tôi không biết gì về khoản nợ của người khác.

Còn đối với ông Bùi Văn Vanh ở huyện Lạc Sơn, do nhận quá nhiều cuộc gọi yêu cầu phải có trách nhiệm đốc thúc, có biện pháp tác động, chấn chỉnh để nhân viên giải quyết khoản nợ xấu, ông Vanh đã yêu cầu các công ty tài chính có văn bản và ban hành một loạt văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo đã thông tin đến nhân viên đầy đủ nội dung, yêu cầu không được tiếp tục gọi điện, nhắn tin làm phiền ông cũng như các nhân viên khác trong cơ quan để tác động đòi nợ.

Tình trạng khủng bố điện thoại gia đình, người thân để đòi nợ hiện lộng hành ở nhiều địa phương. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là những người vay nợ qua các công ty tín dụng trực tuyến, qua app vay nợ... Điều đáng nói, dù số tiền vay không nhiều nhưng với cách tính lãi trên trời, nhiều người phải trả gấp đôi, có khi gấp 3, gấp 4 lần số tiền vay gốc. Đến khi không trả được nợ thì những người thân, bạn bè bị lôi vào khủng bố, làm ảnh hưởng đến uy tín của người vay nợ. Thậm chí nhiều tổ chức tín dụng còn sử dụng thủ đoạn là xâm nhập dữ liệu số điện thoại, danh bạ của người vay tiền thông qua các app, sau đó điện thoại, nhắn tin, cắt ghép hình ảnh cá nhân đưa lên mạng xã hội tạo sức ép, nhằm đòi nợ những người không có trách nhiệm phải trả nợ nhưng có mối quan hệ với người vay tiền, từ đó tạo áp lực trả nợ thay.

Đồng chí Đinh Quang Tùng, Đội Cảnh sát hình sự và trật tự xã hội (Công an huyện Tân Lạc) cho biết: Thời gian qua, lực lượng công an nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc một số đối tượng tự nhận là nhân viên của công ty tài chính, tổ chức tín dụng, nhất là các công ty tài chính hoạt động theo hình thức trực tuyến có các chiêu trò đòi nợ phản cảm theo kiểu khủng bố, dọa nạt. Đối với những trường hợp này, để xử lý, người dân cần giải thích ngắn gọn về việc không quen hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ các đối tượng đề cập; hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ để nắm thông tin. Nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng khi cần. Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin gì cho các đối tượng này, không nên đôi co, giải thích hay năn nỉ vì không giải quyết được vấn đề gì cả. Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền để giảm phiền hà. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa bình luận của người lạ. Đối với người đứng đầu các tổ chức, cơ quan khi bị quấy nhiễu, gọi điện yêu cầu tác động để thu hồi nợ nên có yêu cầu bằng văn bản gửi công ty tài chính đã quấy rối, gọi điện giục nợ để khiếu nại về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ về đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp thái quá, có thể gửi đơn tố cáo tới cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm pháp luật của công ty tài chính, hoặc gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an nếu công ty tài chính tiếp tục có hành vi quấy rối, đe dọa tinh thần...

Ngành chức năng Công an tỉnh khuyến cáo người dân để vừa đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ... Người vay cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ thông tin chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp trước khi lựa chọn vay vốn.


P.V

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung

(HBĐT) - Thực tế trên địa bàn huyện Tân Lạc, sau khi được đầu tư xây dựng, các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt việc cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên hiện nay, sau một thời gian hoạt động, nhiều công trình đã xuống cấp, không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.

Xã Vạn Mai mong có cây cầu mới

(HBĐT) - Cây cầu treo xóm Khán, xã Vạn Mai (Mai Châu) bắc qua suối Sia, nằm trên tuyến đường chính ra quốc lộ 15 của 82 hộ dân trong xóm. Được xây dựng từ năm 2013, cầu có trọng tải không quá 0,5 tấn, chiều dài gần 80m, mặt cầu rộng 1,5m, cao hơn 3m so với dòng suối. Hiện tại, cây cầu có dấu hiệu xuống cấp, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con. Phần thanh sắt thành cầu hoen gỉ, mặt cầu bị võng, các tấm sắt mặt cầu bị long ốc, không được chắc chắn, mỗi khi di chuyển qua cầu đung đưa, rung lắc gây mất an toàn.

Ban Dân vận Tỉnh ủy: Tập huấn chính sách dân tộc tại huyện Cao Phong

(HBĐT) - Ngày 27/9, tại xã Hợp Phong (Cao Phong), Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy Cao Phong tổ chức lớp tập huấn về chính sách dân tộc năm 2023. Dự khai mạc có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Huyện ủy Cao Phong. Tham gia lớp tập huấn có 75 học viên là cán bộ, công chức khối dân vận, bí thư chi bộ, trưởng thôn xóm, khu dân cư và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Cao Phong.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng quà Trung thu cho trẻ em khó khăn

(HBĐT) - Ngày 27/9, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, TP Hòa Bình và các đơn vị đồng hành, nhà tài trợ tặng quà Trung thu cho các em nhỏ khó khăn.

Niềm vui từ những ngôi nhà tình nghĩa ở xã Hùng Sơn

(HBĐT) - Về xóm Đằng Long, xã Hùng Sơn (Kim Bôi), bên cạnh cuộc sống khấm khá của hầu hết các gia đình vẫn còn một vài trường hợp khó khăn. Như hoàn cảnh của gia đình bà Bùi Thị Thìn phải sống tạm bợ trong ngôi nhà lụp xụp nằm chênh vênh bên bờ suối. Bản thân bà Thìn thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Bà ở cùng vợ chồng người con trai nhưng con trai bà việc làm bấp bênh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục