(HBĐT) - Khoảng 4 - 5 tháng trở lại đây, dọc sông Bôi đoạn qua xóm Nà Bờ, xã Sào Báy (Kim Bôi), hàng chục chiếc bè neo đậu kín dọc 2 bên bờ. Vào những ngày nóng bức, nhất là cuối tuần, khúc sông càng trở nên nhộn nhịp, người dân đỗ xe ô tô chật kín đến cắm trại câu cá, nướng thịt, tắm sông… Tận dụng điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái trong lành, các hộ dân xóm Nà Bờ đã mở dịch vụ cho thuê bè mảng, thu 250.000 - 300.000 đồng/lượt, tuy vậy, việc thu gom rác, giữ gìn cảnh quan cần được chú ý, nhất là hoạt động tắm mát cần phải đảm bảo an toàn.


Sông Bôi đoạn qua xóm Nà Bờ, xã Sào Báy (Kim Bôi) thu hút đông khách du lịch vào ngày cuối tuần.

Được thiên nhiên ưu ái về cảnh quan, môi trường trong lành, sông Bôi đoạn chảy qua xóm Nà Bờ trong vắt, mát lạnh, uốn khúc quanh co tựa dải lụa, trước khi khách du lịch phát hiện ra điểm đến này, đây cũng là nơi câu cá, tắm mát lý tưởng của người dân địa phương mỗi khi hè về. Vào mùa hè, nước cạn, người lớn tắm nước chỉ cao đến ngang bụng, nhìn thấy cả những viên sỏi, cá bơi dưới đáy, bãi bồi rộng rãi, sạch sẽ. Cảnh quan núi rừng thoáng đãng, bốn bề đều là núi đá trùng điệp đã tạo sức hút cho người dân không chỉ trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh đến nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần, check-in lưu giữ những hình ảnh đẹp.

Anh Vũ Tiến Đức, du khách TP Hòa Bình cho biết: "Sau những ngày làm việc căng thẳng, dịp cuối tuần tôi đưa gia đình ra khỏi thành phố hòa mình với thiên nhiên, lập thành nhóm cùng bạn bè thuê bè mảng, nướng cá, thịt, tắm sông, câu cá, trò chuyện vui vẻ với bạn bè. Nơi đây cách không xa thành phố, chỉ 1h xe chạy là tới, việc di chuyển thuận tiện, trẻ đi lại cũng không mệt mỏi. Mỗi khi tắm sông, tôi đều xuống thử độ sâu rồi mới cho trẻ con xuống, đều phải có người lớn tắm cùng. Sau khi ăn uống, sinh hoạt cả nhóm tự giác thu gom rác thải đúng nơi quy định, tránh ảnh hưởng đến môi trường”.

Đoạn sông này được mọi người đánh giá view rất đẹp, chỉ cách đường tỉnh 12B khoảng 800m, đường bê tông thuận tiện đi lại. Ngày nắng nóng cuối tuần, du khách đổ về lên đến cả nghìn người. Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ Thủ đô Hà Nội cũng đổ về Nà Bờ cắm trại, tắm sông. Nắm bắt cơ hội, người dân trong xóm đã làm các bè mảng, nhiều dịch vụ kèm theo để tăng thêm thu nhập.

Ông Bùi Văn Vui, Trưởng xóm Nà Bờ cho biết: "Hiện, bãi sông Bôi đoạn qua xóm có 91 bè mảng đang hoạt động dịch vụ cho thuê cắm trại, ăn uống với giá từ 250.000 - 300.000 đồng, ngày cuối tuần đông khách, có hộ thu cả triệu đồng, không đủ bè cho khách thuê. Với chi phí 5 - 6 triệu đồng để làm 1 chiếc bè mảng, sau hơn 1 tháng đã có thể hoàn vốn từ việc cho thuê, cải thiện thu nhập cho nhiều hộ trong xóm. Bên cạnh đó, các hộ dọc ven sông cũng mở thêm dịch vụ cung cấp thực phẩm như gà, xôi, lợn bản địa cho du khách”.

Để quản lý tốt các dịch vụ tự phát tại địa bàn, chính quyền xã cùng xóm Nà Bờ đã họp bàn, thống nhất quy định mỗi hộ chỉ được kinh doanh 1 bè mảng, neo đậu ở một ví trí cố định, không được tranh giành khách không lành mạnh, hướng dẫn khách đỗ xe đúng nơi quy định, tránh gây mất ANTT. Xóm cũng lập ra tổ vệ sinh môi trường, thu gom rác tại bãi sông thường xuyên, đồng thời các hộ làm dịch vụ cũng nhắc nhở, chủ động thu gom rác ngay tại bè mảng sau mỗi lượt khách thuê. Mỗi khi mưa lớn, mực nước cao hơn bình thường, chính quyền xã yêu cầu tạm thời dừng đón nhận khách, cấm hoạt động tắm suối, chỉ cắm trại trên bờ để đảm bảo an toàn, các hộ kéo bè mảng neo đậu đúng nơi quy định. Theo quan sát, đa số du khách tuân thủ các quy định của địa phương do chủ bè phổ biến, tuy vậy, rác thải vẫn vương vãi nhiều ở bờ sông. Xóm đã quy định mỗi bè mảng đều phải có ít nhất 1 phao cứu sinh để phòng ngừa tai nạn, đuối nước, nhưng có một vài hộ vẫn chưa chấp hành.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Sào Báy cho biết: "Với việc khách du lịch đổ về địa bàn cắm trại, du lịch trong thời gian gần đây, xã đã tích cực tham mưu UBND huyện về các quy định, hướng dẫn nhằm đảm bảo công tác ANTT, bảo vệ cảnh quan môi trường và các quy định trong hoạt động lưu trú. Xã cũng đang xây dựng các nội quy, quy định về đảm bảo ANTT, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, thái độ ứng xử văn minh. Qua đó hướng đến xây dựng xóm Nà Bờ thành điểm đến hấp dẫn du khách, cải thiện thu nhập cho người dân, phát triển KT-XH, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch huyện Kim Bôi”.


Hoàng Anh


Các tin khác


Hà Nam được vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”

Theo Cục Du lịch Việt Nam, ngày 1/12 vừa qua, tại thành phố Dubai (các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất), lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) đã vinh danh Hà Nam là "Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”. Đây là lần đầu tiên, Hà Nam được vinh danh ở một trong những hạng mục quan trọng của Giải thưởng danh giá, được ví như giải "Oscar” của ngành du lịch.

Một số điểm đến du lịch cuối năm

Từ những bãi cát trải dài lộng lẫy bên cạnh thiên đường giải trí mùa đông, đến những trải nghiệm tương lai độc đáo, Dubai hứa hẹn mang tới nguồn năng lượng và niềm hạnh phúc cho các du khách trong mùa đông này.

Hà Nội được vinh danh là điểm đến hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày 2023

Theo Sở Du lịch Hà Nội, mới đây tại thành phố Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất), Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) đã vinh danh Hà Nội là Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023. Đây là năm thứ 2 liên tiếp thành phố Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu này của tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới.

Huyện Đà Bắc tổ chức Ngày hội Văn hoá, thể thao, quảng bá du lịch năm 2023

Trong 2 ngày (2-3/12), tại xã Hiền Lương, UBND huyện Đà Bắc tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao, quảng bá du lịch năm 2023 với nhiều hoạt động đặc sắc. Đây là hoạt động trọng tâm trong chuỗi sự kiện quảng bá du lịch huyện Đà Bắc. 

Nhiều hoạt động tại Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc

Trong 2 ngày (2-3/12), tại xã Vân Sơn, UBND huyện Tân Lạc phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) gắn với hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) năm 2023 tại các xã vùng cao huyện Tân Lạc.

Huyện Đà Bắc: Bảo tồn sản phẩm du lịch từ nét đẹp truyền thống

Với bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, các dân tộc trên địa bàn huyện Đà Bắc hiện vẫn lưu giữ được những giá trị bản sắc văn hóa riêng như: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, trang phục dân tộc… Đó là điều kiện thuận lợi để người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, thu hút du khách để phát triển KT-XH địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục