(HBĐT) - Động Nam Sơn thuộc địa bàn xóm Tớn Trong, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc được công nhận Di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2008. Với hệ thống hang động kỳ vỹ, hứa hẹn là điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch thích trải nghiệm và khám phá. Tuy nhiên đến nay việc khai thác du lịch của động Nam Sơn còn bỏ ngỏ, chưa xứng tầm với kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương.


Động Nam Sơn, xã Vân Sơn (Tân Lạc) có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ,tuy nhiên việc khai thác phát triển du lịch chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Từ xóm Tớn Trong, ngược theo con dốc thẳng đứng men theo triền núi dẫn lên động Nam Sơn. Con đường mòn uốn lượn được xếp bằng những tảng đá rêu phong là cung đường hàng ngày bà con đi làm nương. Một bên là vách núi hiểm trở, bên kia là vực sâu. Cùng những người dân bản địa, mất chừng 45 phút chúng tôi mới có mặt tại cửa động. 

Anh Đinh Văn Phương, bảo vệ động Nam Sơn trăn trở: "Do nằm ở khu vực đồi núi cao, vị trí hiểm trở nên trở ngại lớn nhất đối với người dân địa phương và khách du lịch   khi đến thưởng ngoạn vẻ đẹp của động  Nam Sơn là con đường dẫn lên cửa động. Đến người dân bản địa khi leo lên cung đường mòn này cũng phải dè chừng bởi đất đá trơn trượt, rất nguy hiểm. Nhiệt độ trong động thường ấm vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè, tuy nhiên độ ẩm cao quanh năm nên hệ thống đèn chiếu sáng được Nhà nước đầu tư đã bị hư hỏng. Một số bóng đèn hiện vẫn hoạt động, tuy nhiên tôi cũng không dám sử dụng bởi sợ tình trạng hở, chập điện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Thay vào đó phải sử dụng những chiếc đèn pin nhỏ để dẫn đường”. 

Nằm ở độ cao khoảng 1.000 m so với mực nước biển, động Nam Sơn được người dân phát hiện từ lâu trong quá trình đi nương. Động có chiều dài gần 500m, chia thành 3 ngăn; ngăn giữa có hồ nước rộng trong vắt, điểm sâu nhất chừng 7m. Đối với những người đã từng thám hiểm động đều rất ấn tượng bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ, không khí trong lành. Ngoài sở hữu các cột đá, nhũ đá với nhiều hình thù đặc trưng, đây còn là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, động vật và sinh vật đặc hữu. Khai thác tiềm năng, lợi thế của thiên nhiên ban tặng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm bảo tồn, xây dựng điểm du lịch thu hút du khách. Huy động nguồn kinh phí để tôn tạo, đầu tư xây dựng cầu qua hang nước. Lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đa màu sắc để dẫn đường, đồng thời giúp khách du lịch chiêm ngưỡng    vẻ đẹp của các cột, nhũ đá.

Theo chia sẻ của người dân, thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trung bình mỗi tháng có 2 - 3 đoàn khách đến thăm quan, khám phá động Nam Sơn. Trong đó có cả du khách là người nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kể cả khi dịch đã lắng xuống thì đến nay vẫn chưa có khách du lịch quay trở lại. Cùng với những khó khăn về đường giao thông và hệ thống cơ sở vật chất, việc tiếp đón du khách vào mùa đông còn nhiều khó khăn bởi khí hậu lạnh buốt, sương mù dày đặc, trời thường tối rất sớm. 

Chị Đinh Thị Diêu, xóm Bò, xã Vân Sơn cho biết: "Là một trong những người dân thường xuyên ghé thăm động Nam Sơn, chúng tôi rất ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ mà không phải hang động nào cũng có được. Mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để đánh thức tiềm năng của động, thu hút khách du lịch. Cùng với đó là điều kiện thuận lợi để tiêu thụ các mặt hàng nông sản của địa phương như: tỏi, quýt cổ, rau su su…”. 

"Tận dụng tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên ưu đãi cùng với nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc, cấp ủy, chính quyền xã Vân Sơn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới. Trong đó động Nam Sơn được đánh giá là một trong những điểm đến lý tưởng, thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá. Xã mong muốn chính quyền các cấp khảo sát, hỗ trợ kinh phí để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ khai thác hiệu quả động Nam Sơn. Tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn bảo vệ, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên tại khu vực hang động. Khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển du lịch tại địa phương. Kết hợp xây dựng các điểm du lịch trên địa bàn, du lịch cộng đồng và các sản phẩm nông sản đặc trưng để xây dựng Vân Sơn là nơi dừng chân lý tưởng của khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát   triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, đồng chí  Bùi Thanh Đướng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết.


Đức Anh

Các tin khác


Sức hút du lịch vùng cửa ngõ Lương Sơn

Với lợi thế vùng cửa ngõ tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, hạ tầng giao thông thuận tiện, sở hữu phong cảnh thiên nhiên, điều kiện khí hậu bán sơn địa, huyện Lương Sơn là điểm đến lý tưởng được nhiều du khách lựa chọn tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp du lịch thể thao là sản phẩm hấp dẫn đang được chú trọng khai thác.

Nắm bắt thực tế hoạt động du lịch tại huyện Mai Châu

Ngày 21/3, đoàn công tác Sở VH-TT&DL đã tổ chức nắm bắt tình hình thực tế hoạt động kinh doanh và đón tiếp phục vụ khách du lịch tại huyện Mai Châu.

Hội An đứng đầu trong 10 điểm đến an toàn nhất cho khách du lịch một mình trên thế giới

Dưới đây là danh sách những điểm đến an toàn nhất thế giới dành cho khách du lịch một mình, theo Smoky Mountains.

Nâng cao hiệu quả công tác thống kê, chất lượng dự báo cho du lịch

Chất lượng dự báo có tốt thì việc hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển mới có tính khả thi cao. Trong công tác dự báo, thống kê là một trong những công cụ quan trọng nhất, bởi nó cung cấp các thông tin, dữ kiện cần thiết để làm cơ sở cho hoạch định chính sách phát triển, đồng thời cũng là thước đo để đánh giá năng lực, hiệu quả thực thi.

Ra mắt Đại đô thị kết hợp nghỉ dưỡng “độc nhất”: Giữa lòng thiên nhiên - Kề bên thành phố - Giáp ranh Thủ đô.

Trải dài hơn 4km dọc bờ sông Đà, có một châu Âu thu nhỏ đan xen giữa không gian kỳ vỹ của sông núi, nơi kiến tạo một không gian "sống nghỉ dưỡng” tràn ngập sắc xanh và một cộng đồng tinh hoa thành đạt mang tên Casa Del Rio.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục