(HBĐT) - Những ngày đầu năm, trên các miền quê nông thôn mới (NTM) rực rỡ sắc xuân. Một mùa xuân mới lại về để thấy các vùng quê thêm đổi thay. Đặc biệt là tại những xã NTM, NTM nâng cao, KT-XH phát triển mạnh. Nông thôn đổi mới, đời sống người dân cũng đổi thay…


Hệ thống đường giao thông xã Tú Lý (Đà Bắc) được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của người dân. 

Thành quả từ sự đồng thuận

Trở lại thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy), chúng tôi cảm nhận được diện mạo của một khu dân cư NTM kiểu mẫu căng tràn sức sống. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa rộng rãi, bằng phẳng. Những ngôi nhà cao tầng san sát, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngày một phát triển với đa dạng loại hình.

Bà Dương Hương Lan, Bí thư chi bộ thôn Tân Tiến cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã mang đến cho thôn luồng sinh khí mới khi chất lượng cuộc sống được nâng lên. Nhờ sự đồng thuận của người dân và quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các cấp, các ngành, hệ thống công trình hạ tầng được đầu tư kiên cố, giao thông thuận tiện. Bên cạnh đó, hướng tới sản xuất bền vững, liên kết theo chuỗi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, người dân trong thôn tích cực phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng đào cảnh, mít, na, cây ăn quả có múi có giá trị kinh tế cao hơn… 

Rời thôn Tân Tiến, chúng tôi về xã Tú Lý - xã NTM đầu tiên của huyện Đà Bắc. Dù là xã thuộc huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh nhưng Tú Lý đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hiện, xã có 4 trường học đều đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, tất cả các xóm có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt của khu dân cư; tỷ lệ đường cứng hóa, bê tông hóa đạt gần 100%. Người dân trong xã tận dụng tối đa diện tích sản xuất để gieo trồng 800 ha cây lương thực, rau, màu, phát triển gần 100 ha cây ăn quả. Ngoài sản xuất nông nghiệp, Tú Lý từng bước phát triển CN-TTCN, dịch vụ. Trên địa bàn có nhà máy sản xuất giấy,  xưởng chế biến gỗ, các cơ sở sản xuất tinh bột sắn, sản xuất gạch... qua đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động   địa phương.

Đồng chí Đinh Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Tú Lý chia sẻ: Năm 2019, xã đạt chuẩn NTM. Đảng ủy, chính quyền xã xác định, đây mới là bước đầu, cơ sở để phát triển KT-XH. Chúng tôi đặt mục tiêu phải duy trì tốt các tiêu chí đã đạt được; củng cố, phát huy và tiếp tục giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, làm sao để nâng cao hơn nữa thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.

Trở về với thành phố Hòa Bình, năm 2021, toàn thành phố có 6/7 xã đạt chuẩn NTM; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân đạt 18,14 tiêu chí/xã; có 16 sản phẩm OCOP hạng 3 - 4 sao. Còn xã    Độc Lập chưa đạt chuẩn, chính vì vậy, cả hệ thống chính trị và người dân nơi đây đã chung sức, đồng lòng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí NTM chưa đạt. 

Là xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của TP Hòa Bình. Song so với vài năm trước, diện mạo nơi đây được "khoác lên mình chiếc áo mới" với hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu của người dân. Trên địa bàn xã có những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như: trồng bí xanh, rau an toàn, mô hình nuôi ong lấy mật... Năm 2022, thu nhập bình quân toàn xã ước đạt 31 triệu đồng/người. Từ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và đồng thuận của Nhân dân đã giúp xã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng NTM. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quế, Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết: Nhằm hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào năm 2023, xã tập trung lồng ghép các nguồn vốn để cải tạo khoảng 2,25 km đường làng ngõ xóm, 1,85 km đường nội đồng. Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm phòng học bộ môn, sân thể dục thể thao và nhà đa năng cho Trường phổ thông dân tộc bán trú Độc Lập; phấn đấu để trường đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch... phấn đấu năm 2023, xã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,48%...


Nông dân thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong) áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị và chất lượng cho sản phẩm cam quả. 

Giúp bộ mặt nông thôn đổi mới

Xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, thể hiện "ý Đảng, lòng dân”, làm chuyển biến về tư tưởng, nhận thức của nhân dân và được đại bộ phận nhân dân ủng hộ. Các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đặc biệt là sự quyết liệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, xem Chương trình MTQG xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong chỉ đạo phát triển KT-XH của tỉnh. 

Thực hiện Chương trình, tỉnh ta luôn nhất quán phương châm "Người dân nông thôn là chủ thể xây dựng NTM", "Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ". Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, đến nay, Chương trình xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả đáng mừng, diện mạo ở các vùng quê được "thay da đổi thịt", khang trang, sạch đẹp hơn, đời sống người dân từng bước được nâng lên. 
Trong năm 2022, toàn tỉnh đã huy động trên 1.135 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó, vốn ngân sách nhà nước trên 453 tỷ đồng; vốn tín dụng 420 tỷ đồng; vốn cộng đồng dân cư đóng góp trên 122 tỷ đồng... Cũng từ thực hiện phong trào xây dựng NTM đã góp phần giúp đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn giai đoạn 2021-2025 ước giảm còn 12,29%.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn NTM; 21 xã NTM nâng cao; 1 xã đạt NTM kiểu mẫu; 3 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đạt chuẩn NTM. Công cuộc xây dựng NTM đã mang đến luồng sinh khí mới, niềm vui cho người dân khi diện mạo quê hương ngày càng khang trang,  đời sống sung túc hơn... Những thành quả đã đạt được sẽ tiếp tục là nguồn động lực, tiếp thêm sức mạnh cho người dân vững tin vào sự đổi thay của quê hương, nỗ lực phấn đấu dựng xây để mùa xuân sau sẽ còn kể tiếp nhiều câu chuyện vui từ NTM.

Thu Hằng

Các tin khác


Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục