Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2009 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thẳng thắn thừa nhận nhiều bức xúc của người dân chưa được cơ quan quản lý "dồn hết tâm trí giải quyết" trong năm qua. Tuy nhiên, thực tế đó không thể phủ định những thành quả ấn tượng của ngành CNTT-TT Việt Nam trong một năm đầy thách thức, khó khăn như 2009.

Tăng trưởng và rủi ro

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp thẳng thắn thừa nhận "Nhiều chủ trương thì đúng nhưng triển khai lại quá chậm". Ảnh: Trọng Cầm

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn tăng trưởng tới 62%, cao gấp gần 11 lần so với tốc độ tăng trưởng của GDP cả nước. Các doanh nghiệp viễn thông vẫn đạt "phong độ" rất ấn tượng trong thời kỳ khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, "đại gia" VNPT đã đạt doanh thu 78.600 tỷ, tăng gần 30% so với năm 2008 và nộp ngân sách nhà nước 7.650 tỷ đồng. Tương tự, Tập đoàn Viễn thông Quân Đội Viettel tiếp tục giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng doanh thu khi ước đạt 60.054 tỷ đồng, tăng 81% so với năm 2009 và lợi nhuận cũng đạt tới hơn 10.000 tỷ.

Tốc độ phát triển thuê bao điện thoại cũng tăng mạnh: tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng hiện có 130,4 triệu máy, trong đó thuê bao di động chiếm 85,4%, mật độ điện thoại là 152,7 máy/100 dân. Lĩnh vực CNTT cũng có những thành tựu đáng khích lệ như 22,47 triệu người đang sử dụng Internet, đạt mật độ 26,2%. Tổng số thuê bao băng rộng đạt 2,89 triệu, chiếm khoảng 3,38%. Doanh thu ngành ước đạt 6,26 tỷ USD trong năm 2009, đạt tốc độ tăng trưởng 20%. Trong đó, riêng công nghiệp điện tử, thiết bị viễn thông đã đóng góp 4,68 tỷ USD. Công nghiệp phần mềm đạt gần 880 triệu USD, tăng 16% so với năm 2008. Công nghiệp nội dung số đạt khoảng 700 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bước sang năm 2010, theo cảnh báo của đại diện Viettel, cơ quan quản lý cần có những biện pháp kịp thời, quyết liệt để ngăn chặn một cuộc chiến về giá xảy ra trên thị trường viễn thông. "Các chuyên gia nước ngoài có dự đoán rằng nếu cuộc chiến về giá không xảy ra ngay năm 2010 thì muộn nhất cũng xảy ra vào năm 2011. Điều này rất nguy hiểm vì nó sẽ khiến cho thị trường phát triển lệch lạc, thiếu lành mạnh". Viettel kiến nghị Bộ TT&TT nên áp dụng cả giá sàn cho cước di động, thay vì chỉ đề ra giá trần như hiện nay.

Khuyến mại tràn lan hoặc đua nhau giảm cước tuy có thể thu hút người dùng nhưng đó chỉ là lợi ích trước mắt. Hành vi này trong kinh doanh thực chất là lợi bất cập hại, bởi nó sẽ khiến cho các doanh nghiệp nhỏ không còn lợi nhuận để tái đầu tư vào mạng lưới, hệ thống và về lâu dài, không thể cạnh tranh lại nổi với các ông lớn. Trong khi đó, với tiềm lực tài chính mạnh, các đại gia có thể chấp nhận thiệt thòi trong một thời gian để loại bỏ các đối thủ nhỏ. Một khi đã "hất cẳng" được đối thủ, họ sẽ nâng giá cước trở lại và áp dụng nhiều biện pháp để "gỡ lại". Người chịu thiệt đương nhiên là người dùng.

"Thị trường viễn thông VN đang tiềm ẩn những rủi ro và tiến dần tới chỗ bão hoà. Với quy mô thị trường như thế này mà có tới 7 doanh nghiệp là quá nhiều", các chuyên gia của IBM cảnh báo.

Chưa "dồn hết tâm trí"

Mô tả ảnh.
"Việt Nam cần xây dựng những game, những mạng xã hội của riêng mình, phù hợp với lịch sử, văn hoá dân tộc", Bộ trưởng cho biết. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp thẳng thắn thừa nhận nhiều bức xúc của người dân chưa được cơ quan quản lý "dồn hết tâm trí giải quyết" trong năm qua, chẳng hạn như việc quản lý nội dung game online còn lơi lỏng, khiến cho nhiều nội dung phản cảm, khiêu dâm, kích động "lọt lưới"; hoặc như việc quản lý thuê bao trả trước chưa quyết liệt, chặt chẽ, làm nảy sinh nhiều hiện tượng đã được báo chí phản ánh như khai báo thông tin ma, đại lý khai báo Sim hàng loạt...

"Nhiều chủ trương thì đúng nhưng lúc triển khai thực hiện lại chậm, gây phiền toái, khó chịu cho người dân", Bộ trưởng cho biết. Thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp được cho là một nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng "triển khai chậm". Hiện tại, có tới 148 thủ tục hành chính đang tồn tại riêng ở Bộ TT&TT, vì thế, Bộ trưởng yêu cầu trong năm 2010, Bộ phải giảm được tối thiểu 30% thủ tục trong số này, xuống mức dưới 100 thủ tục.

"Không làm tốt công tác quản lý chiều sâu, cải cách hành chính thì đừng nói tới phát triển, tăng tốc". Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích việc "mạnh dạn phân cấp quản lý" cho các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà dự thảo hướng dẫn thực hiện Thông tư về quản lý trang tin điện tử gần đây chính là một thí dụ. Bộ trưởng cũng kêu gọi các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam cố gắng phát triển những tựa game lành mạnh, phù hợp với lịch sử, văn hoá dân tộc, cũng như xây dựng được một mạng xã hội của riêng Việt Nam. "VTC đã nhận dự án này", Bộ trưởng cho biết.

Hoạt động của các đài PT-TH địa phương cũng cần được quy hoạch lại để chuyên nghiệp hơn, quản lý tốt hơn. Hiện Bộ TT&TT đã xây dựng xong kế hoạch thành lập một kênh truyền hình dành riêng cho nông dân, phát sóng các thông tin phục vụ nhà nông như phân bón, giá giống, kinh nghiệm, tin tức, thời sự nông nghiệp, thị trường... Chương trình này sẽ phối hợp với một chủ trương lớn đã được Thủ tướng chỉ đạo là "phổ cập truyền hình" tới tất cả các hộ gia đình trên toàn quốc.

"Tăng tốc" cho Đề án Tăng tốc

Từ bản kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2010, có thể nhận thấy trọng tâm cao nhất của Bộ TT&TT năm tới chính là triển khai Đề án Tăng tốc. Hiện đề án đã được Thủ tướng phê chuẩn và đang trình Bộ Chính trị thông qua. Theo Đề án, ba lĩnh vực truyền hình, viễn thông và công nghiệp CNTT sẽ được ưu tiên dồn sức phát triển, bởi "đây là một chiến lược nhằm khai thác thời cơ vàng, cơ hội vàng của dân tộc VN".

"Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt việc hình thành một nền công nghiệp trong lĩnh vực CNTT, bởi không có nền công nghiệp thì VN mãi mãi không thể có thương hiệu, dù là phần cứng, phần mềm hay nội dung số. Trong đó, VN cần tập trung cho những sản phẩm, công nghệ "lõi", mạnh nhất, có tiềm năng thương mại cao nhất. "Việt Nam phải có sản phẩm của riêng mình chứ không thể chỉ đi mua, chỉ tiêu dùng mãi được", Bộ trưởng khẳng định.

Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực CNTT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định đây là nhiệm vụ hàng đầu, số một, cần được ưu tiên nhất của Đề án. "Mạnh về CNTT thì phải có nguồn nhân lực mạnh. Không có yếu tố này thì đừng nói đến chuyện nước mạnh. Đề án trước hết phải đề ra được các giải pháp đột phá, nhảy vọt về phát triển con người". Đối với cơ chế thu nhập cho lao động, vốn đang bị các chuyên gia cho là còn nhiều bất cập và không thể hấp dẫn được nhân tài, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp xây dựng một đề án thí điểm về trả lương theo năng suất và hiệu quả để triển khai, trong thời gian chờ đợi sửa khung chung về lương trong doanh nghiệp Nhà nước.

Cuối cùng, Thủ tướng khẳng định "Đề án Tăng tốc nhằm đưa VN trở thành một nước mạnh về CNTT là "hoàn toàn khả thi chứ không phải tham vọng duy ý chí", và "Tôi tin chúng ta sẽ làm được". Điều quan trọng là Đề án cần được triển khai một cách quyết liệt và toàn diện, rộng khắp để đạt hiệu quả cao nhất.

Trước chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết Bộ sẽ nhanh chóng xây dựng chính sách thu hút nhân tài và các giải pháp, cơ chế để đào tạo nguồn nhân lực một cách hiệu quả, sau đó sẽ báo cáo lên Chính phủ.

Sau thành công của đợt thi tuyển cấp phép 3G, Bộ TT&TT dự định sẽ tiếp tục áp dụng hình thức thi tuyển đối với những tần số có giá trị cho WiMax, 4G... Về đề xuất áp dụng giá sàn cho cước di động, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ cân nhắc tới khả năng này, đồng thời tính đến việc kéo dài số thay vì tăng đầu số như kiến nghị của một số mạng để tiết kiệm tài nguyên số. Bộ cũng đang lên kế hoạch thành lập Hội Doanh nghiệp Viễn thông Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ hoạt động cho thị trường quan trọng này trong những năm tới.

Tìm lời giải cho "cơ chế"

Riêng trong năm 2009, Bộ đã trình Thủ tướng 12 đề án, trong đó có 6 đề án đã được phê duyệt về Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng PT-TH đến năm 2020, Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Quy hoạch Phổ tần số Vô tuyến điện, Quy chế quản lý Chương trình Phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam, Phương án điều chỉnh giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước, đề án bảo đảm mạng lưới thông tin biển đảo....Gần đây nhất, Bộ đã hoàn thiện việc xây dựng và trình Thủ tướng Quy hoạch phát triển các khu CNTT tập trung ở Việt Nam đến năm 2020.

2009 cũng đánh dấu lần đầu tiên trong vòng một năm, Bộ đã trình Chính phủ 4 dự án Luật bao gồm Luật Báo chí sửa đổi, Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện và Luật Bưu chính. Những văn bản quan trọng này sẽ tạo ra một khung hành lang pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp và thị trường phát triển, cạnh tranh một cách lành mạnh.

Bước sang năm 2010, Bộ cam kết sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các đề án, dự án, các dự thảo văn bản Luật, dưới Luật, nhất là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện; tập trung hoàn thiện Luật Bưu chính để trình Quốc hội… Bộ cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; tập trung sản xuất CNTT bao gồm cả phần cứng, phần mềm và nội dung số...

                                                                                 Theo Vnn

Các tin khác


Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Từ tháng 4 - 9/2024, đề phòng các hình thái thời tiết nguy hiểm

Nhận định về các hình thái thời tiết từ tháng 4-9/2024, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ tháng 4-6/2024, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục