Căn cứ vào khung kế hoạch năm học của Bộ GD-ĐT và các địa phương, Bộ GD-ĐT đã lên phương án chốt ngày thi, đảm bảo cho học sinh lớp 12 có đủ thời gian ôn tập sau khi thi học kỳ 2.

Đó là thông tin do PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, chia sẻ tại chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức sáng 26.2.

Chương trình được truyền hình trực tuyến tại thanhnien.vn, kênh YouTube và TikTok Báo Thanh Niên với sự hỗ trợ đường truyền internet tốc độ cao của VNPT Ðà Nẵng.


PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, giải đáp thắc mắc của học sinh trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại Trường THPT Phan Châu Trinh (TP.Đà Nẵng) sáng qua 26.2. HUY ĐẠT

"Không có chuyện ra đề ngoài chương trình"

Có mặt tại chương trình, PGS-TS Huỳnh Văn Chương cho biết nếu như năm 2022 Bộ GD-ĐT công bố lịch thi và đề thi mẫu kỳ thi tốt nghiệp THPT (cấu trúc, dạng đề) vào cuối tháng 3 thì năm nay Bộ đã đẩy tiến độ nhanh hơn để đầu tháng 3 sẽ công bố.

"Căn cứ vào khung kế hoạch năm học của Bộ GD-ĐT và các địa phương, Bộ GD-ĐT đã lên phương án chốt ngày thi, đảm bảo cho học sinh lớp 12 có đủ thời gian ôn tập sau khi thi học kỳ 2. Trong thời gian này, chúng tôi mong các trường THPT và các em học sinh lớp 12 tập trung hoàn thành chương trình theo khung kế hoạch của Bộ GD-ĐT và của trường. Bộ cũng muốn lắng nghe các địa phương, học sinh và xã hội để điều chỉnh thời gian thi sao cho thuận lợi nhất trong việc nộp hồ sơ vào các trường ĐH và hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Các em có thể yên tâm hoàn toàn", PGS-TS Chương thông tin.

Về đề thi, PGS-TS Chương khẳng định tất cả đề thi mẫu gồm cấu trúc và dạng đề đều nằm trong chương trình phổ thông. "Bộ đã chuẩn bị đề thi mẫu sẵn sàng, toàn bộ đều nằm trong chương trình THPT đặc biệt lớp 12. Kỳ thi hướng đến việc giảm áp lực cho thí sinh và giảm tốn kém cho xã hội, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá được năng lực học sinh và làm cơ sở cho việc xét tuyển vào các trường ĐH và giáo dục nghề nghiệp. Các em cũng không nên quá áp lực cho bản thân. Từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 6 thời gian còn rất dài, vì vậy các em hoàn toàn có đủ thời gian để ôn tập. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng và chủ lực để xét tuyển ĐH, nghề nghiệp nên các em nên dành sự tập trung lớn nhất".

Trước câu hỏi làm thế nào để không còn tình trạng học sinh học tủ, đoán đề, nhất là trong môn văn, một lần nữa PGS-TS Huỳnh Văn Chương khẳng định tất cả môn thi đều bám theo chương trình THPT, không có chuyện ra đề ngoài chương trình. "Ngoài ra, học sinh cũng không nên học tủ, không nên đoán đề vì điều đó có thể làm ảnh hưởng đến kết quả thi của chính các em", PGS-TS Chương lưu ý.


Học sinh thích thú trải nghiệm giao lưu với robot trong ngày hội Tư vấn mùa thi diễn ra tại Đà Nẵng

Kết quả tốt nghiệp THPT là yếu tố quyết định xét tuyển ĐH

Ngay tại chương trình Tư vấn mùa thi tại Đà Nẵng, TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhận định: "Hiện nay có đến hơn 18 phương thức xét tuyển khác nhau. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 2 phương thức chủ lực, chiếm đến 88% chỉ tiêu, đó là xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học bạ. Các em phải thi cho tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển của phương thức này là hơn 50%".

Bên cạnh đó, TS Hải cho biết hiện có hơn 180 tổ hợp môn xét tuyển, tuy nhiên quy định của Bộ GD-ĐT là mỗi ngành có tối đa không quá 4 tổ hợp môn. "Trong số 575.000 chỉ tiêu trúng tuyển năm 2022 thì có tới 90% dùng 5 tổ hợp môn truyền thống A (toán, lý, hóa), A1 (toán, lý, tiếng Anh), B (toán, hóa, sinh), C (văn, sử, địa) và D (toán, văn, tiếng Anh). Chính vì thế, kết quả thi tốt nghiệp vẫn là yếu tố quyết định trong xét tuyển ĐH. Dù điểm học bạ, điểm các kỳ thi riêng rất cao, đủ điều kiện trúng tuyển nhưng nếu các em không đậu tốt nghiệp THPT thì thí sinh vẫn chưa có cơ hội vào trường ĐH", TS Hải cho hay.

Tăng cơ hội vào ĐH bằng kỳ thi đánh giá năng lực

Mặc dù phương thức xét điểm thi tốt nghiệp là phương thức chủ đạo, nhưng theo các chuyên gia, thí sinh có thể đăng ký thêm các kỳ thi riêng để cánh cửa vào ĐH thêm rộng mở. Chưa kể có một số trường ĐH dành phần lớn chỉ tiêu cho kỳ thi riêng.

Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM, thông tin: "Năm nay kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia được tổ chức ở nhiều tỉnh thành, trong đó có Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên... vào 2 đợt 26.3 và 28.5. Các trường thành viên của ĐH Quốc gia dành tối thiểu 40% chỉ tiêu để xét phương thức này, bên cạnh phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Hiện có 87 trường trên toàn quốc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM".


Theo Báo Thanh niên

Các tin khác


Sáng 6/6, bắt đầu Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024

(HBĐT) - Sáng 6/6, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 của tỉnh chính thức bắt đầu. Năm nay, kỳ thi được Sở GD&ĐT tổ chức trong 3 ngày (6 - 8/6), chỉ 1 đợt duy nhất thay vì chia làm 2 đợt như những năm trước đây.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Linh hoạt các phương án ôn tập cho học sinh

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm nay diễn ra sớm hơn so với năm 2022, dự kiến được tổ chức vào tuần cuối tháng 6 thay vì vào tháng 7 như mọi năm. Do vậy, cùng với tuân thủ quy định về khung thời gian năm học, các trường Trung học Phổ thông tại tỉnh Yên Bái đã linh hoạt các phương án ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh khối 12 để nâng cao tính chủ động trong học tập, rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho kỳ thi quan trọng.

Thí sinh phải bảo mật tài khoản thi tốt nghiệp THPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, từ ngày 26 - 28/4, trường phổ thông sẽ cấp cho các thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022 - 2023 tài khoản để đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.

Các bước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trên hệ thống quản lý thi

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hướng dẫn cụ thể cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Trong đó, lưu ý đăng ký dự thi qua hệ thống quản lý thi chung của Bộ.

Đa dạng phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, năm 2023. Triển khai kế hoạch, các cơ sở đào tạo đã công bố phương án tuyển sinh với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

Nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả, các trường đại học nói gì?

Tại Hội nghị tuyển sinh 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra những điểm tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong tuyển sinh năm 2022. Đồng thời, đề nghị các trường đại học cần điều chỉnh phương thức xét tuyển cho phù hợp với thực tiễn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục