Huyện ủy, UBND huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ: Giải quyết thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều bất cập

Thứ sáu, 19/8/2022 | 8:16:19 Sáng

(HBĐT) - Thời gian qua, việc chấp hành pháp luật trong thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai là vấn đề "nóng" trên toàn tỉnh. Trong lĩnh vực này, thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chiếm trên 90% và cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Tại huyện Lạc Thuỷ, việc đo đạc lập bản đồ địa chính đã hoàn thành, song thực tế, công tác giải quyết TTHC về đất đai trên địa bàn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. 




Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) tiếp nhận các thủ tục hành chính về đất đai, xác nhận quyền sở hữu đất cho người dân trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thuỷ, trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện tiếp nhận 3.974 hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai (ĐKĐĐ), xin cấp GCNQSDĐ, bằng 54% so với năm 2021 và bằng 94% so với năm 2020. Trong đó, 3.974 hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn; 10 hồ sơ quá hạn. Theo đánh giá, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện triển khai một số dự án trọng điểm, cùng với đó là tình trạng sốt đất chung nên số lượng hồ sơ tiếp nhận về đất đai tăng hơn nhiều so với 2 năm trước đây. 
Để thực hiện tốt công tác cải cách TTHC trong ĐKĐĐ, cấp GCNQSDĐ, UBND huyện đã quan tâm chỉ đạo việc cải cách hành chính trên cả 6 lĩnh vực, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường giải quyết TTHC qua dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, nhất là đối với lĩnh vực ĐKĐĐ và cấp GCNQSDĐ. Huyện công khai danh mục TTHC thực hiện/không thực hiện tiếp nhận tại bộ phận một cửa các cấp, trên trang thông tin của đơn vị, địa phương, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt thông tin, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp. 

Đồng chí Lê Anh Thương, Trưởng phòng TN&MT huyện cho biết: Huyện đã thực hiện phối hợp liên thông giải quyết giữa các cơ quan chuyên môn là Phòng TN&MT, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ, Chi cục Thuế, Sở TN&MT qua hệ thống phần mềm. Vì vậy, việc tiếp nhận hồ sơ đã có thể xử lý qua môi trường mạng trên cơ sở số hoá hồ sơ và xứ lý liên thông. Điều này tạo thuận lợi khá nhiều cho việc thực hiện các TTHC về đất đai. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác giải quyết TTHC về đất đai trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập. Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện: Để giải quyết các hồ sơ về đăng ký cấp GCNQSDĐ, cán bộ địa chính phải xác minh nguồn gốc đất. Căn cứ để xác minh chủ yếu dựa vào bản đồ địa chính. Đến nay, bản đồ địa chính huyện đã hoàn thành, song thực tế bị sai lệch nhiều. Có nhiều thửa đất không được đo đạc chi tiết, hoặc sai lệch giữa hiện trạng và giấy tờ về quyền sử dụng đất. Việc cấp đổi giấy chứng nhận theo dự án đo đạc địa chính, chính quy còn nhiều sai sót, dẫn đến tồn giấy chứng nhận chưa trao cho người sử dụng. Ngoài bản đồ địa chính chính quy, việc cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp theo Quyết định số 672 của Thủ tướng Chính phủ cũng còn sai sót về đối tượng, ranh giới, diện tích, vị trí..., vì vậy không ít trường hợp cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp bị chồng lấn vào đất ở, đất nông nghiệp do gia đình, cá nhân đang sử dụng. 

Đồng chí Lê Anh Thương, Trưởng phòng TN&MT huyện trao đổi thêm: Trong khi còn nhiều sai sót trong bản đồ địa chính, chính quy thì công tác báo cáo thống kê đất đai hàng năm chưa được thực hiện thường xuyên do chưa có rà soát, điều chỉnh diện tích đối với trường hợp biến động. Chính vì vậy, mặc dù cơ sở dữ liệu về đất đai đã được số hoá, tuy nhiên cũng chưa phục vụ hiệu quả công tác giải quyết TTHC về đất đai. 

Ngoài những nguyên nhân trên, yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc là công tác cán bộ. Theo báo cáo của UBND huyện, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện có 6 viên chức và 6 hợp đồng khoán việc. Phòng TN&MT huyện có 5 cán bộ, công chức, khối xã, thị trấn có 20 cán bộ địa chính - xây dựng. Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ đồng thời vừa tham mưu cho Sở, vừa tham mưu cho UBND huyện. Trong khi đó, cán bộ địa chính xã, thị trấn không thuộc hệ thống quản lý của chi nhánh nên chỉ có chức năng phối hợp. Mặt khác, việc thực hiện luân chuyển theo nhiệm kỳ 5 năm đối với cán bộ địa chính xã cũng là một khó khăn để cán bộ nắm rõ địa bàn, do đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phối hợp xác minh hồ sơ, thông tin. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh hiện nay. 

Phương Linh