Huyện ủy, UBND huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thủy: Chủ động trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Thứ hai, 22/4/2024 | 9:24:18 Sáng

Những năm qua, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được huyện Lạc Thủy chủ động triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc quản lý nhà nước, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.


Công chức UBND thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) rà soát các thủ tục hành chính còn hiệu lực.

Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh về việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ động trong công tác kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu UBND huyện trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn quan tâm bố trí công chức chuyên môn đảm nhận nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại đơn vị, đồng thời bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách nhà nước theo quy định.

Đến nay, toàn huyện có 16 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực của HĐND và UBND huyện, gồm 3 nghị quyết của HĐND, 13 quyết định của UBND. Hiện tại, việc ban hành và rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND huyện không tồn tại văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không còn phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND cấp huyện còn một số tồn tại, hạn chế như: Theo quy định tại Điều 30, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì HĐND cấp huyện chỉ được ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để quy định những vấn đề được luật giao. Thực tế trong những năm qua, các luật và văn bản dưới luật chủ yếu giao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho HĐND cấp tỉnh, hầu như không có văn bản luật nào giao cho HĐND cấp huyện ban hành. Do đó, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp huyện trên thực tế không phát sinh. Tính tự quản của chính quyền cấp huyện bị thu hẹp. Điều này dẫn đến hệ quả là HĐND cấp huyện khó có thể thực hiện hiệu quả tất cả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, nhất là trong việc quy định các các biện pháp mang tính đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển riêng của mỗi địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lạc Thủy cho biết: Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn HĐND cấp huyện chỉ cần ban hành các nghị quyết cá biệt để thực hiện (như việc thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn; xác nhận kết quả bầu cử các chức danh, kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bãi nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu; thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyết định dự toán ngân sách, phê chuẩn quyết toán ngân sách…) thì HĐND cấp huyện cần phải ban hành những nghị quyết quy phạm pháp luật để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn mà Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định tại Điều 26, như: Quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; quyết định các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch xây dựng công trình hạ tầng đô thị, giao thông; biện pháp quản lý dân cư và tổ chức đời sống dân cư, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan đô thị trên địa bàn.

Do đó, huyện kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung các quy định về việc phân cấp thẩm quyền cho HĐND cấp huyện tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp huyện tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm sự phù hợp, thống nhất và bảo đảm nhu cầu thực tiễn đặt ra của chính quyền cấp huyện trong việc quyết định các vấn đề mang tính tự quản của địa phương.


Đinh Thắng