Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Thành công từ mô hình nuôi lợn bản địa

Thứ tư, 22/2/2023 | 9:49:20 Sáng

(HBĐT) - Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi, anh Nguyễn Xuân Phúc ở xóm Lòn, xã Bình Thanh (Cao Phong) đã phát triển thành công mô hình nuôi lợn bản địa. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, anh Phúc đã kết hợp chăn nuôi và chế biến các món ăn từ nguyên liệu thịt lợn mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập.


Mô hình chăn nuôi lợn bản địa của gia đình anh Nguyễn Xuân Phúc, xóm Lòn, xã Bình Thanh (Cao Phong) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thăm mô hình nuôi lợn bản địa của gia đình anh Phúc trên diện tích gần 2 ha, anh đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn bản địa thả tự nhiên, tận dụng diện tích đất trống trồng cây chuối là nguồn thức ăn chủ yếu phục vụ cho đàn lợn, từ đó có thể tối ưu chi phí chăn nuôi. Ban đầu chỉ từ 2 - 3 con lợn giống, đến nay đàn lợn của gia đình anh gần 60 con. Giống lợn bản được anh lai tạo giữa lợn rừng và lợn bản nuôi dân dã nên khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon hơn so với giống lợn thường. Lợn con sau khi sinh nuôi khoảng 7 - 8 tháng được xuất bán. Mỗi con lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng nặng khoảng 20 - 25 kg, giá bán dao động từ 120 - 130 nghìn đồng/kg. Tuy giá thành cao hơn so với giá thịt lợn bình thường nhưng đổi lại chất lượng thịt ngon và đảm bảo hơn.

Anh Phúc chia sẻ: "Hồi mới bắt đầu chăn nuôi, đàn lợn bị mắc dịch tả, do chủ quan và thiếu kinh nghiệm nên tôi không kịp tách những con bị bệnh ra khỏi đàn, làm chết mất hơn nửa đàn. Tôi cũng không biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ nên đem đi chôn hết, thiệt hại gần 200 triệu đồng”. Bên cạnh đó, nguồn vốn của gia đình còn eo hẹp, lãi suất vay ngân hàng cao gây ít nhiều khó khăn trong đầu tư mở rộng cũng như hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất. Ngoài ra, việc chưa thể quảng bá thương hiệu, giá thành cao hơn so với thịt lợn thường gây khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường.

Nhận thấy sự phát triển của ngành du lịch lòng hồ sông Đà cũng như nắm bắt nhu cầu thực phẩm của người dân và khách du lịch tăng cao, anh Phúc đã kết hợp nuôi lợn với chế biến thịt lợn thành các món ăn, làm mâm cỗ lá đặc trưng để phục vụ người dân quanh xã và du khách thăm quan lòng hồ. Anh chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với việc tích cực quảng cáo thông qua các ứng dụng mạng xã hội như zalo, facebook…, liên kết với các nhà hàng, thuyền bè mở rộng thêm thị trường tiêu thụ.

Anh Phúc cho biết thêm: "Từ lúc bắt đầu chăn nuôi lợn, tôi tranh thủ tìm tòi, học hỏi thêm cách chế biến thành món ăn từ cỗ lá truyền thống đến đa dạng thực phẩm hơn. Tôi đã lên Lạng Sơn học nghề quay lợn để phát triển mô hình kinh doanh, sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có chế biến các món ăn được nhiều người ưa chuộng, phục vụ các đám cưới hỏi, liên hoan... trên địa bàn xã Bình Thanh và các xã lân cận”. Du khách đến thăm quan du lịch thưởng thức các món ăn do anh Phúc chế biến đều ấn tượng và ủng hộ nhiệt tình. Năm 2022, nhờ phát huy hiệu quả công việc chăn nuôi và kinh doanh đã đem lại cho gia đình anh lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Đồng chí Đinh Văn Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: "Mô hình nuôi lợn bản địa của anh Phúc là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả và tiêu biểu trên địa bàn. Xã mong muốn anh Phúc tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của hội viên nông dân, phát huy hiệu quả mô hình, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ giá thành ổn định. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất cho người dân, từ đó giúp đỡ Nhân dân trên địa bàn cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững”.


Hoàng Dương