Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong: Nâng cao chất lượng cam phục vụ xuất khẩu

Thứ ba, 21/3/2023 | 9:24:33 Sáng

(HBĐT) - Sau khi tới thị trường Anh, cam Cao Phong bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sở tại, đánh dấu sự trở lại của loại trái cây đặc sản miền Bắc trên thị trường thế giới sau hơn 40 năm. Đây là động lực lớn, tiền đề để các cấp chính quyền cũng như doanh nghiệp, HTX, nông dân trồng cam trên địa bàn huyện tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng đất Mường Thàng.


Các sản phẩm cam của HTX 3T nông sản Cao Phong (thị trấn Cao Phong) được áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

8 năm sau khi được cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm cam Cao Phong đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng, chinh phục thị trường trong nước. Thành quả đó là nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, hỗ trợ liên kết tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp, sự quyết tâm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm của người nông dân.

Theo Công ty TNHH MTV Cao Phong, toàn bộ lô sản phẩm cam gần 7 tấn mới đưa sang thị trường Anh được chọn tại vườn của hộ thành viên thuộc công ty. Kết quả phân tích các mẫu cam trước khi xuất hàng cho thấy, tất cả đều không phát hiện bất kỳ hoạt chất nào trong gần 900 hoạt chất thuốc BVTV bắt buộc phải phân tích theo tiêu chuẩn châu Âu.

Cam Cao Phong có mặt tại "trời tây” là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để chinh phục được các thị trường cao cấp như châu Âu, sản phẩm này cần có chiến lược lâu dài, bài bản và đảm bảo hiệu quả. Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Sau khi chuyến cam Cao Phong đầu tiên được xuất sang thị trường Anh, bên cạnh những phản hồi tích cực thì một số hạn chế cũng bộc lộ. Đó là thời gian vận chuyển khá dài tới gần 2 tháng nên khoảng 30% quả bị xước hoặc dập, không giữ được chất lượng như ban đầu. Vì vậy, số lượng cam được tiêu thụ tại thị trường chỉ được 70%. Ngoài ra, trong các vườn trồng cam trên địa bàn huyện, kích cỡ quả chưa được đồng đều nên số lượng cam đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu có thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường thời gian tới.

Được xác định là sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của địa phương, các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn huyện Cao Phong đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ thương hiệu, phát triển và đưa sản phẩm vươn ra những thị trường lớn. UBND huyện chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án, chính sách quan trọng liên quan đến cây giống sạch bệnh, tạo quỹ đất an toàn về sâu bệnh để hỗ trợ người dân trồng tái canh cây cam, quy mô khoảng 800 ha từ nay đến năm 2025. Khuyến khích người dân cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để xây dựng những cánh đồng mẫu phục vụ sản xuất với quy mô hàng hóa. Việc nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển cây cam như tu sửa, cải tạo các công trình hồ đập, đường giao thông tại địa bàn các xã, thị trấn được chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục.

Trong tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện 1.744 ha, diện tích cam hiện đạt khoảng 1.358 ha, sản lượng trên 20 nghìn tấn/niên vụ. Huyện đã có 7 sản phẩm cam quả tươi và sản phẩm chế biến từ cam được công nhận là sản phẩm OCOP 3 và 4 sao.

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm: Để tiếp tục bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Cao Phong, các nông hộ, doanh nghiệp và HTX trồng cam trên địa bàn cần tiếp tục tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, KHKT nhằm nâng cao trình độ canh tác, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn về ATTP khi phân tích, lấy mẫu để hướng tới những thị trường xuất khẩu mới. Ngoài loại đã được xuất khẩu là cam V2, huyện phấn đấu để một số loại khác như cam Xã Đoài cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu trong năm tới. Dự kiến trong năm nay, huyện Cao Phong tiếp tục xuất khẩu thêm 2 conterner cam quả tươi.


Thu Hằng