Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Bùi Văn Cương năng động phát triển kinh tế

Thứ hai, 23/10/2023 | 9:56:43 Sáng

(HBĐT) - Anh Bùi Văn Cương, xóm Quáng Ngoài, xã Hợp Phong (Cao Phong) được nhiều người biết đến là thanh niên dân tộc Mường giàu ý chí, khát vọng, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong việc tìm hướng phát triển kinh tế, đến nay, mô hình kinh tế của gia đình anh đã trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp tại xã Hợp Phong. Từ đó góp phần "truyền lửa” khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.


Mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Bùi Văn Cương là điểm sáng trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp tại xã Hợp Phong (Cao Phong).

Tốt nghiệp chuyên ngành trồng trọt tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Hòa Bình, Bùi Văn Cương trở về quê bắt tay vào trồng mía. Sau một thời gian, nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao nên anh chuyển sang trồng cam, bưởi. Trước đây, khi cam Cao Phong được mùa, được giá, mỗi năm gia đình anh thu về từ 300 - 400 triệu đồng. Thời gian sau, do kém hiệu quả, anh Cương đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua tìm hiểu, nghiên cứu anh nhận thấy cây chuối tiêu hồng có khả năng thích nghi với nhiều vùng khí hậu, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh... phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương.

Với số vốn ban đầu gần 25 triệu đồng và được hỗ trợ về cây giống, từ tháng 3/2022, anh Cương thực hiện mô hình trồng chuối tiêu hồng. Trước đó, anh được tham gia một số lớp tập huấn kỹ thuật, cùng với chăm chỉ học hỏi, tham khảo kiến thức từ sách, báo, internet... nên quá trình trồng chuối tiêu hồng không có nhiều trở ngại. Sau 8 tháng, mô hình kinh tế thu được lợi nhuận bước đầu. Chuối thương phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng, nải đều quả, hương vị thơm ngon đặc trưng, tiểu thương đến tận vườn thu mua, có thời điểm không đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường. Hiện nay, vườn chuối tiêu hồng của gia đình anh có diện tích 2.000m2, trồng 1.500 gốc chuối, sản lượng từ 1.400 - 1.600 buồng/năm. Giá bán tại vườn là 5.000 đồng/kg. Mô hình còn tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 6 - 7 lao động thời vụ là người địa phương, mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng tùy công việc và từng thời điểm.

Năm 2017, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp xã Đông Phong được thành lập, anh Bùi Văn Cương đảm nhiệm vai trò giám đốc. HTX có 9 thành viên. Bên cạnh đó, gia đình anh có cửa hàng vật tư nông nghiệp Cương Quỳnh cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng. Cửa hàng kinh doanh ở vị trí thuận lợi, đảm bảo chất lượng, được người dân địa phương ủng hộ, tin cậy.

Với sự cần cù, dám nghĩ, dám làm, anh Cương từng bước xây dựng được mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Năm 2022, sau khi trừ các chi phí, gia đình anh thu được trên 200 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này cuộc sống của gia đình ngày càng cải thiện.

Anh Cương chia sẻ: "Là người từng trải qua gian nan khi mới khởi nghiệp, bởi vậy tôi hiểu và đồng cảm với các bạn đoàn viên, thanh niên phải đối mặt với nhiều thách thức. Tôi luôn cố gắng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ các bạn có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh”.

Thực tế, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Thành công từ mô hình phát triển kinh tế của anh Bùi Văn Cương không chỉ là động lực, niềm tin giúp đoàn viên, thanh niên trong tỉnh mạnh dạn khởi nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

 Linh Nhật