Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong: Trụ vững trong thời kỳ cây cam khó khăn

Thứ hai, 30/10/2023 | 5:56:02 Chiều

(HBĐT) - Anh Phạm Văn Cường ở khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) là hộ gia đình tiêu biểu trồng cam của tỉnh, tích cực ứng dụng tiến bộ KH-KT vào quản lý, tổ chức trồng cam theo tiêu chuẩn an toàn và đã vượt qua thời khó khăn của giai đoạn cam thoái hóa. Anh vinh dự là 1 trong 10 nông dân toàn quốc được tặng bằng khen về thành tích trong cải tiến kỹ thuật, đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen là nông dân sản xuất, kinh giỏi giai đoạn 2017 – 2022.


Anh Phạm Văn Cường ở khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) kiểm tra vườn cam của gia đình.

Đến thăm vườn cam của anh Cường ở khu 3, thị trấn Cao Phong. Anh quy hoạch vườn cam với hạ tầng đồng bộ, đường đi đổ bê tông đến tận khu sản xuất. Cây cam sai trĩu cành, quả đang chuyển sang màu vàng nhạt và cho thu hoạch vào tháng 11, 12. Anh Cường cho biết: gia đình hiện có 4 vườn cam với tổng diện tích khoảng 3,5 ha, cam phát triển tốt. Tôi vừa thực hiện quy trình cải tạo đất, vừa tuân thủ triệt để các quy trình sản xuất an toàn; dự kiến năng suất và sản lượng, chất lượng cam vẫn duy trì ổn định, đạt được mục tiêu về kinh tế.  

Nhiều năm trước, cam được giá, lợi nhuận khá cao, nhiều gia đình trồng cam ở Cao Phong lãi đậm. Rồi cam phát triển nóng không chỉ ở Cao Phong mà lan rộng ra cả tỉnh. Cam phát triển không theo quy hoạch, không được kiểm soát chặt chẽ về giống, quy trình chăm sóc đã ảnh hưởng đến năng xuất, sản lượng, chất lượng. Từ chỗ trồng cam có cơ hội rất lớn trở thành tỷ phú, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần. Tuy vậy cũng có nhiều gia đình vẫn có của ăn của để từ trồng cam khi tổ chức sản xuất theo hướng bền vững.

Gia đình anh Cường là một trong những gia đình đã vượt qua thời kỳ khó khăn của cây cam và vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng phương pháp sản xuất an toàn, kiểm soát tốt giống cây và các nguyên liệu đầu vào. Sản phẩm vẫn giữ được chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đem lại hiệu quả kinh tế khá.

Ngay từ thời điểm đầu trồng cam, anh Cường đã tìm hiểu các kiến thức trên internet, từ các chuyên gia để áp dụng vào trồng cam, đặc biệt đã cải tiến ứng dụng mô hình sản xuất an toàn, bể chứa bảo vệ thực vật vừa giảm sức lao động, tiết kiệm thuốc mà hiệu quả phòng trừ sâu bệnh tốt hơn. Từ đó, mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vùng cam.

Anh Cường cho biết thêm: mô hình bể chứa bảo vệ thực vật không tốn nhân công khuấy thuốc và đặc biệt thuốc bảo vệ thực vật được hòa trộn đều, tiết kiệm thuốc nhưng lại đạt được hiệu quả tối đa khi phun. Toàn bộ diện tích cam của gia đình không bị thoái hóa. Đối với vườn cam diện tích khoảng 5.000 m2, ước cho thu khoảng 15 tấn quả; với giá bán khoảng 30.000 đồng/kg, vụ năm nay có thể mang về cho gia đình 500 triệu đồng.

L.C