Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong chú trọng phát triển môn bắn nỏ

Chủ nhật, 7/8/2022 | 6:07:46 Chiều

(HBĐT) - Xác định bắn nỏ là môn thể thao thế mạnh của địa phương, nhiều năm qua, huyện Cao Phong luôn tạo điều kiện và cơ hội để môn thể thao dân tộc ngày càng phát triển.


Vận động viên Trần Quang Hợi, câu lạc bộ bắn nỏ xã Tây Phong (Cao Phong) truyền kinh nghiệm thi đấu cho con trai.

Tình cờ "bén duyên” với môn bắn nỏ, vận động viên (VĐV) Trần Quang Hợi, khu đội Tây Phong, xã Tây Phong (Cao Phong) là một trong những người Kinh hiếm hoi tham gia chơi môn thể thao dân tộc. Nhờ có tâm lý vững vàng, tự tin, kỹ thuật và thể lực tốt, anh là một trong những gương mặt thể thao nổi bật của địa phương. Là thành viên câu lạc bộ (CLB) bắn nỏ xã Tây Phong, anh đã nỗ lực rất nhiều, cố gắng cải thiện thành tích qua từng giải giao hữu hay thi đấu. Anh chia sẻ: Bắn nỏ là môn thể thao dân tộc đòi hỏi kỹ thuật, tính chính xác cao và sức mạnh. Do đó, chúng tôi thường xuyên rèn luyện kỹ năng để ngắm bắn chính xác vào tiêu điểm. Không chỉ tham gia các giải thi đấu, giao hữu ở địa phương, chúng tôi thường xuyên cọ xát với các đối thủ ở tỉnh bạn. Tôi có lợi thế hơn so với nhiều VĐV khác là khi bắt đầu làm quen với nỏ 90 cm, khi thi đấu cũng là nỏ 90 cm, trong khi phần đa VĐV khác lại quen với nỏ 120 cm.

Còn với VĐV Bùi Văn Sướng, xóm Xương Đầu, xã Dũng Phong, người có nhiều kinh nghiệm và thành tích cao, ổn định tại các giải bắn nỏ do tỉnh và địa phương tổ chức có niềm đam mê bắn nỏ từ nhỏ. Anh luôn cất giữ cẩn thận gần 30 tấm huy chương các loại như để tự nhắc bản thân cần nỗ lực hơn nữa để số lượng huy chương vàng ngày càng tăng. VĐV Bùi Văn Sướng cho biết: Để tạo ra một chiếc nỏ thô, phải bỏ ra vài ngày, thậm chí cả tuần cất công tìm gỗ làm nỏ, cây gai làm dây cung. Để chiếc nỏ có thể mang ra thi đấu phải mất hàng tháng chỉnh sửa cho chính xác. Việc vót tên cũng phải thật tỉ mỉ trong từng đường dao. Tuyệt đối không được làm dây cung bằng kim loại hay tên bằng gỗ tiện hoặc kim loại. Muốn bắn nỏ giỏi, cần phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khỏe, đôi mắt tinh nhanh. Theo tôi, VĐV bắn nỏ đòi hỏi phải có thần kinh khỏe, tâm lý bình tĩnh, mắt sáng và tay chắc để giương cánh cung ngắm bắn chính xác vào tiêu điểm.

Đồng chí Bùi Văn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện cho biết: Nỏ là trò chơi dân gian đã trở thành môn thể thao không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, Tết hay các ngày hội lớn của địa phương. Có thể kể đến một số VĐV tiêu biểu, xuất sắc như: Bùi Văn Sướng (xã Dũng Phong); Trần Quang Hợi, Bùi Văn Thiều, Bùi Văn An (xã Tây Phong); Đinh Thị Quỳnh (xã Nam Phong)... Bắn nỏ cũng là một trong những môn thể thao được chúng tôi đưa vào thi đấu tại các kỳ Đại hội TD-TT cấp huyện, cấp xã. Qua đó nhằm phát hiện nhân tố mới, kịp thời bồi dưỡng, tạo nguồn cho địa phương. Tính từ năm 2015 đến nay, huyện đã giành 43 bộ huy chương các loại khi tham dự giải bắn nỏ do tỉnh tổ chức, trong đó có 10 huy chương vàng. Với VĐV, bắn nỏ không chỉ mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mà còn khẳng định lợi thế của mình tại các giải thi đấu, giao hữu.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, nhưng môn bắn nỏ luôn được huyện Cao Phong quan tâm, định hướng phát triển. Qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào tập luyện môn bắn nỏ nói riêng và phong trào TD-TT của địa phương nói chung ngày càng phát triển.


Minh Tuấn

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Cao Phong)