Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Ấn tượng Lễ hội khai mùa Mường Thàng

Thứ ba, 27/2/2024 | 9:39:42 Sáng

Hòa chung không khí khai hội của các Mường trong tỉnh, trong 2 ngày 15 - 16/2 (tức mùng 6 - 7 tháng Giêng), người dân Mường Thàng - Cao Phong và du khách thập phương hân hoan dự lễ khai mùa Mường Thàng. Lễ hội được tổ chức quy mô cấp huyện, trên cơ sở tái hiện lễ xuống đồng của dân tộc Mường vùng Mường Thàng. Lễ hội mang đậm tín ngưỡng dân gian với nhiều lễ nghi truyền thống và phần hội vui tươi, đặc sắc.



Lễ rước Thành Hoàng, rước nước từ miếu Cả và giếng cổ thuộc xóm Dỏng Ngoài về trung tâm lễ hội tại sân vận động xã Dũng Phong (Cao Phong).

Trong dòng người đổ về sân vận động xã Dũng Phong từ rất sớm, chúng tôi được chứng kiến không khí vui tươi, bản sắc khi bắt gặp hình ảnh bà con dân tộc Mường với trang phục truyền thống chuẩn bị cho việc hành lễ rước Thành Hoàng, rước nước từ miếu Cả và giếng cổ thuộc xóm Dỏng Ngoài về trung tâm lễ hội tại sân vận động xã. Nghi lễ nhằm tỏ lòng tôn kính các vị thần linh đã phù hộ cho bản Mường một năm mưa thuận, gió hòa, gặp nhiều may mắn, no đủ, yên vui. Đồng thời tưởng nhớ công lao của các vị thần Thành Hoàng làng, thổ công, thổ địa đã có công dựng làng, lập bản; nhớ ơn công lao của công chúa triều Lê đã dạy cho dân biết trồng bông, dệt vải, trồng lúa nước, đoàn kết hai miền xuôi ngược.

Theo Ban tổ chức, lễ hội được bắt đầu từ 7h30' nhưng các thành viên có mặt từ 5 giờ để chuẩn bị các khâu. Trong phần lễ, thầy mo làm lễ khấn tại miếu Cả mời Thành Hoàng về vui hội cùng nhân gian. Trước khi làm lễ, các bạn trẻ nam, nữ lấy nước tại giếng cổ để dâng về miếu, sau đó rước cùng đoàn rước. Phần lễ được thực hiện trang nghiêm với màn rước Thành Hoàng, rước nước từ miếu Cả và giếng thần. Tại sân khấu chính của lễ hội, thầy mo đọc lời cúng xin phép cho mở hội. Sau màn đánh trống, chiêng khai hội, các hoạt động vui hội ý nghĩa diễn ra sôi động, hấp dẫn.

Bùi Thị Ngọc Diệp, xóm Bãi Bệ 2, xã Dũng Phong chia sẻ: Đây là lần đầu em được tham gia đoàn rước lễ, được diện bộ trang phục truyền thống của dân tộc giúp em hiểu sâu sắc hơn về bản sắc, truyền thống quê hương, từ đó thêm tự hào, thêm yêu quê hương, dân tộc mình.

Phần hội diễn ra ấn tượng với các tiết mục nghệ thuật tái hiện lịch sử của lễ hội; giới thiệu những đặc trưng văn hóa, sản vật tiêu biểu của huyện Cao Phong. Bên cạnh đó, hoạt động thi hát thường đang, bộ mẹng, thi ẩm thực, trình tấu chiêng Mường, các trò chơi dân gian thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo người dân...

Ông Bùi Thanh Xuân, Câu lạc bộ hát tiếng Mường xã Nam Phong chia sẻ: "Tôi rất vui, phấn khởi khi được đến lễ hội để giao lưu, học hỏi; mang làn điệu dân ca ngày xuân chúc cho mọi người, mọi nhà năm mới tốt đẹp, mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu…”.

Đồng chí Nguyễn Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Lễ hội khai mùa Mường Thàng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Mường Thàng mỗi độ Tết đến, Xuân về. Lễ hội năm 2024 được triển khai, tổ chức các hoạt động theo kế hoạch, chương trình đề ra, diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách gần xa. Bên cạnh lễ hội khai mùa, huyện Cao Phong còn có các lễ hội tâm linh, tín ngưỡng, kết hợp với du lịch như lễ hội đền Bờ, lễ hội chùa Quèn Ang, chùa Khánh cũng thu hút đông đảo người dân và du khách dịp đầu Xuân. Đặc biệt sắp tới, điểm du lịch xóm Mỗ, xã Bình Thanh được xây dựng hoàn thiện là điểm du lịch cấp tỉnh, góp phần tạo điểm nhấn kích cầu du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.


Hồng Duyên