Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Khai thác lợi thế, nắm bắt cơ hội phát triển

Thứ sáu, 2/5/2025 | 9:14:36 Sáng

Khai thác lợi thế gần Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hòa Bình đã có những bước đi đầy quyết tâm nhằm nắm bắt cơ hội phát triển, tạo động lực mạnh mẽ để vươn lên trở thành vùng đất hội tụ nhiều giá trị.


Tỉnh Hòa Bình tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại để khai thác thị trường Hà Nội. (Trong ảnh: Sản phẩm OCOP của huyện Lạc Sơn được trưng bày, giới thiệu tại thị trường Hà Nội). 

5 năm (2020 - 2025) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là thời gian ghi nhận quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của hệ thống chính trị toàn   tỉnh nhằm nắm bắt cơ hội phát triển, kiến tạo những giá trị bền vững cho quê hương Hòa Bình. Xuyên suốt trong nhiều chương trình hành động, đề án, kế hoạch phát triển thuộc các lĩnh vực, lợi thế quan trọng được xác định cần khai thác mạnh mẽ là vị trí gần Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với trung tâm kinh tế, đầu tàu dẫn dắt và lan tỏa động lực tăng trưởng của cả khu vực phía Bắc. 

Gần đây, Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong giai đoạn 1 của dự án, đường nối cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2018, giúp rút ngắn thời gian đi từ TP Hòa Bình đến trung tâm TP Hà Nội. Theo quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ, dự án được điều chỉnh mở rộng quy mô đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729: 2012), 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h; xây dựng hệ thống đường gom, nút giao, trạm dừng nghỉ, trung tâm điều hành, hệ thống giao thông thông minh... đảm bảo đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Phần điều chỉnh quy mô dự kiến đưa vào khai thác năm 2028. Đây là dự án giao thông quan trọng, góp phần kết nối đường bộ cao tốc Thủ đô với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên; làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. 

Đó là một trong nhiều dự án giao thông quan trọng mở ra cơ hội phát triển cho vùng đất tiếp giáp Thủ đô và cửa ngõ vùng Tây Bắc. Nhìn lại 5 năm (2020 - 2025) quyết tâm tạo   đột phá cho phát triển của địa phương, có thể khẳng định, kết quả ấn tượng bậc nhất của Hòa Bình là huy động nguồn lực đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, nổi bật là hệ thống hạ tầng giao thông có tính kết nối Hà Nội - Hòa Bình và liên vùng, giúp mở rộng không gian phát triển và mang tới nhiều cơ hội mới cho các vùng đất được hưởng lợi. 

Trên phạm vi toàn tỉnh, Nghị quyết Đại   hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, tập trung vào 4 đột phá chiến lược gồm: quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, toàn tỉnh đồng tốc thực hiện các chương trình hành động với quyết tâm tạo đột phá trong từng lĩnh vực, trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế để cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hướng tới sự phát triển bền vững. Xuyên suốt các chương trình, đề án, kế hoạch là một tư duy mạch lạc: Khai thác tốt  các lợi thế, trong đó có lợi thế tiếp giáp Thủ đô Hà Nội để nắm bắt cơ hội phát triển.

Đặc biệt, tư duy lãnh đạo chiến lược đó một lần nữa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định khi ban hành Kế hoạch số 273-KH/TU, ngày 13/9/2024 về triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Tại kế hoạch trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định rõ trách nhiệm cũng như cơ hội phát triển của Hòa Bình trong quá trình phối hợp thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đảm bảo thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và các kế hoạch mang tính chiến lược của địa phương. Trong nỗ lực khai thác lợi thế của một tỉnh tiếp giáp Thủ đô, Hòa Bình chú trọng 5 khâu đột phá: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tập trung thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Cùng với thực hiện 5 khâu đột phá, Hòa Bình sẽ tập trung huy động các nguồn lực để tái cơ cấu các ngành kinh tế trọng điểm, phát huy tốt hơn lợi thế gần Hà Nội để tiếp nhận sự lan tỏa từ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, hình thành các chuỗi sản xuất, chế biến, khu công nghiệp, khu chế xuất, những doanh nghiệp công nghiệp  "vệ tinh” trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời, với vị trí địa lý thuận lợi, tỉnh òa Bình cũng đóng vai trò là cầu nối đối với các hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ, trao đổi hàng hoá... của các tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực. Đó sẽ là những định hướng chiến lược, mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho Hòa Bình.


Khánh An