Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 6/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày Tờ trình
dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính
phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tóm tắt Tờ trình dự án
Luật. Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 8 chương với 83
điều, tăng 2 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội
dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi
so với luật hiện hành.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật bỏ quy định về đăng ký hoạt
động khoa học và công nghệ đối với các tổ chức, chỉ giữ lại quy định đăng ký tổ
chức khoa học và công nghệ để thành lập mới tổ chức khoa học và công nghệ. Việc
bỏ quy định này nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, khẳng định mọi
tổ chức đều có thể thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ. Đồng thời, cắt
giảm thủ tục hành chính theo chủ trương chung của Đảng và Chính phủ, thay bằng
quản lý trên môi trường số.
Đáng chú ý là dự thảo Luật đã xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu
được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình
thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả
thương mại hoá, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp.
Dự
thảo Luật cũng bổ sung chính sách ưu đãi về Thuế thu nhập cá nhân, chính sách
thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa
kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước; cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi,
tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước
ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công
nghệ trọng điểm tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề mà chuyên gia trong
nước chưa giải quyết được. Dự thảo Luật cũng đặc biệt bổ sung nguyên tắc, tiêu
chí xác định nhân tài trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo,
qua đó quy định cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài.
Cũng theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa
vào và đứng ngang với khoa học công nghệ. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ
trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự
phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp,
quỹ đầu tư mạo hiểm.
Đổi mới sáng tạo quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh
doanh, quy trình quản lý dựa trên đổi mới công nghệ, sáng tạo công nghệ, khởi
nghiệp sáng tạo nâng cao hiệu suất nhằm nâng cao giá trị gia tăng hiệu quả kinh
tế, xã hội và chất lượng cuộc sống. Nhấn mạnh đổi mới sáng tạo là nhấn mạnh
phần ứng dụng khoa học và công nghệ vào cuộc sống - Phó Thủ tướng nói.
Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa
học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất
với quan điểm xây dựng Luật; đề nghị bám sát hơn nữa và thể chế hóa đầy đủ tinh
thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW; thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp,
khu vực kinh tế tư nhân, "chủ thuyết” phát triển trong lĩnh vực khoa học, công
nghệ, đổi mới sáng tạo; có quy định mang tính đột phá, vượt trội; đẩy mạnh phân
cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng chính sách kiến tạo
phát triển đồng bộ với quản lý theo cơ chế phù hợp. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp
ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội.
"Đề nghị rà soát, bảo đảm tính khả thi, nhất là khả năng đáp ứng
yêu cầu xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm
có hiệu lực của văn bản Luật. Cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh, tên gọi
của dự thảo Luật. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện kết cấu dự thảo Luật,
thể hiện đầy đủ, phản ánh đúng vai trò, thứ tự ưu tiên của các nội dung trọng
tâm”, ông Lê Quang Huy cho biết.
Đối với một số nội dung cụ thể, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và
Môi trường tán thành với quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học,
công nghệ, đổi mới sáng tạo; cần bổ sung quy định để phân biệt với lỗi chủ quan
hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu; bổ sung nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi
ro, tránh lạm dụng. Nhất trí với sự cần thiết và cơ bản thống nhất với nội dung
quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát nhưng cần thiết kế mang
tínhnguyên tắc chung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ủy ban cũng tán thành với quy định phân chia lợi nhuận từ
thương mại hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
sử dụng ngân sách nhà nước và đề nghị nghiên cứu chỉnh lý theo hướng cần xác định
khung tỷ lệ phân chia cụ thể, khuyến khích cơ chế tự thoả thuận quy định trong
hợp đồng và có thể dựa trên tỷ lệ vốn góp.
Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế
quy định ở Chương IV, ông Lê Quang Huy cho hay, doanh nghiệp là động lực chính
thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn lực tài chính, nhân lực cho các hoạt
động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đưa sản phẩm, công nghệ mới ra thị
trường, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước. Do đó, Ủy ban cơ bản tán thành
các quy định này và đề nghị rà soát việc gắn kết đồng bộ, thống nhất với các
quy định về đầu tư, tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hệ sinh thái và
phát triển thị trường khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để bảo đảm tính khả
thi.