Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Đánh thức lợi thế kinh tế rừng: Bài 3 - Nâng cao giá trị đa dụng của rừng

Thứ sáu, 16/5/2025 | 8:20:08 Sáng

Ngày 29/2/2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng. Thực hiện đề án, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 88-KH/UBND ngày 23/4/2024 nhằm phát triển giá trị đa dụng của rừng. Đây được xem là chìa khoá để thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ vừa phát huy giá trị rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.


Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu hướng dẫn người dân xây dựng mô hình trồng đằng sâm dưới rừng tại xã Xăm Khòe. 

Cơ hội cho những mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng 

Theo khảo sát, tỉnh Hòa Bình có nhiều loại dược liệu quý tự nhiên như xạ đen, hoài sơn, huyền đẳng, hà thủ ô, ba kích tím, đơn lá đỏ, nghệ đỏ, sa chi, cà gai leo... Trung bình mỗi năm, người dân khai thác khoảng 1.170 tấn dược liệu tự nhiên. Để phát triển dược liệu, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3119/QĐ-UBND, ngày 28/12/2018 về phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu là quy hoạch các vùng rừng, vùng có dược liệu tự nhiên trọng điểm để bảo tồn nguồn gen đặc hữu, bản địa, có giá trị, nguy cơ bị tuyệt chủng cao để phát triển bền vững trong tự nhiên, lựa chọn và khai thác hợp lý 10 loài dược liệu chính, đạt khoảng 8.000 - 9.000 ha dược liệu/năm. Quy hoạch xây dựng 4 vườn bảo tồn. Quy hoạch 4 vườn ươm cung cấp giống dược liệu cho nhu cầu trồng và phát triển dược liệu ở quy mô lớn tại 4 huyện Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn. Quy hoạch và mở rộng diện tích vùng trồng cây dược liệu hàng hóa đạt 15.000 ha, sản lượng đạt khoảng 80 - 120 nghìn tấn/năm. Trong đó, chuyển đổi 5.000 ha đất trồng cây hàng năm sang sản xuất cây dược liệu hàng hóa và 10.000 ha đất rừng kết hợp trồng cây dược liệu, từng bước tăng giá trị sử dụng đất của vùng quy hoạch. Nâng cao vai trò quản lý của nhà nước trong công tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu 100% sản lượng dược liệu được tổ chức theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sản phẩm, từng bước tạo đầu ra ổn định trên thị trường.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm: Ngay sau đề án, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP, ngày 18/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp Việt Nam. Với những quy định chi tiết, cụ thể, Nghị định đã mở hướng rất quan trọng để có thể khai thác tốt các giá trị của hệ sinh thái rừng một cách bền vững và tạo điều kiện thuận lợi để biến các quy hoạch này trở thành các mô hình trồng dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thực tế.

Ngành Kiểm lâm tỉnh Hoà Bình đã triển khai thực hiện nhiều dự án nhằm hình thành nên các vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tập trung phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thích hợp với yêu cầu sinh thái của mỗi loài, trong đó ưu tiên một số loại hiện có diện tích lớn, giá trị kinh tế cao trên đất lâm nghiệp hoặc dưới tán rừng. Từ đó, đạt được mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ rừng một cách bền vững. 

Xã Thành Sơn, huyện Mai Châu là một ví dụ. Xã có trên 3.500 ha rừng, chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên, trong đó trên 70% diện tích là rừng phòng hộ. Chính vì vậy, người dân xã Thành Sơn thực sự là những người "sống dưới tán rừng" và câu chuyện làm sao để sống được nhờ rừng là trăn trở lớn của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương. Nhận thức được điều đó, xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu thí điểm thực hiện mô hình trồng sâm ngọc linh dưới tàn rừng để tìm hướng đi cho phát triển kinh tế địa phương. Mô hình được thực hiện theo hình thức liên kết giữa hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng và doanh nghiệp.

Đồng chí Bùi Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu cho biết: Sâm ngọc linh là loại cây thân gỗ thấp, được trồng chủ yếu ở vùng có khí hậu nhiệt độ trung bình từ 14 - 18 độ C, độ ẩm từ 85 - 90%, độ che phủ rừng 70 - 95%. Đất có đủ ẩm, giàu dinh dưỡng, lượng mùn hữu cơ cao, giữ cấu trúc rừng nguyên sinh. Chính vì vậy sâm ngọc linh rất phù hợp trồng dưới tán rừng trong các khu rừng nguyên sinh tại Thành Sơn. Việc phát triển sâm ngọc linh dưới tán rừng sẽ mang lại lợi ích kép cả về kinh tế lẫn công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bởi nếu muốn phát triển sâm ngọc linh thì chỉ có cách giữ rừng bền vững.

Ngoài dược liệu, khai thác lâm sản ngoài gỗ để nâng cao giá trị của rừng cũng được nhiều địa phương chú trọng. Tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, để tăng thêm thu nhập, nâng cao giá trị rừng trồng, hướng tới mục tiêu trồng rừng gỗ lớn, cấp ủy, chính quyền đã mạnh dạn thí điểm đưa vào trồng giống tràm Úc. Đây là loại cây lấy gỗ có chu kỳ 15 năm. Điều đặc biệt là ngay từ năm thứ 3 trở đi, người dân có thể khai thác cành, lá để chiết xuất tinh dầu tràm.

UBND huyện Đà Bắc đã phối hợp với Công ty TNHH mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam triển khai dự án vùng nguyên liệu cây bương lớn phục vụ công nghiệp chế biến. 

Cần cơ chế, chính sách đồng bộ và nguồn lực đảm bảo

Phát huy giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh ta xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện gồm: phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ; phát triển dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu và phát triển các mô hình nông, lâm, ngư kết hợp.

Những năm gần đây, tỉnh đã tăng cường công tác rà soát các loại hình dịch vụ môi trường rừng để đàm phán, ký kết hợp đồng, mở rộng nguồn thu. Đồng thời tăng cường quản lý, hướng dẫn người dân nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng bền vững, đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích với người dân địa phương.  Tỉnh bước đầu hỗ trợ các địa phương xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi trội trên cơ sở phát huy các giái trị tài nguyên du lịch đặc trưng, khác biệt về văn hóa, tài nguyên, sinh thái. Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp với chủ rừng và cộng đồng địa phương để phát triển du lịch, cung cấp sản phẩm du lịch đảm bảo phát triển bền vững, chia sẻ lợi ích cộng đồng, hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao sinh kế thông qua việc sử dụng lao động địa phương. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, để phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng, tỉnh cần có chiến lược và giải pháp mang tính bền vững, lâu dài cũng như nguồn lực đảm bảo.  Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Lâm Nghiệp - Kiểm lâm cho biết: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, ngành đã tham mưu HĐND tỉnh xây dựng và ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2025 - 2030 với mức hỗ trợ 46 triệu đồng/ha đối với các loại cây sinh trưởng nhanh, chu kỳ khai thác 10 - 15 năm; 82 triệu đồng/ha đối với các loại cây sinh trưởng chậm với chu kỳ khai thác sau 15 năm. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp trồng rừng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, chế biến lâm sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các hệ sinh thái rừng thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đẩy mạnh phát triển du lịch, du lịch cộng đồng thông qua một số đề án du lịch đã được tỉnh phê duyệt. Đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao như quế, mắc ca, thảo quả, sâm ngọc linh... trồng thí điểm đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình.


Đinh Hòa