Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Đề xuất nâng mức phạt đối với các tội danh buôn bán, sản xuất hàng giả

Thứ ba, 20/5/2025 | 6:44:13 Chiều

Chiều 20/5, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Nâng mức phạt đối với các tội danh buôn bán, sản xuất hàng giả

Phát biểu ý kiến thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp liên quan đến việc sửa đổi nội dung Luật Hình sự. Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh thực hiện việc sáp nhập, tinh giản bộ máy và xuất phát từ những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện liên quan đến việc xử lý các tội phạm đang phát sinh trong thực tiễn, việc sửa đổi lần này hoàn toàn phù hợp, đáp ứng yêu cầu đặt ra.


Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu cũng đồng tình với phạm vi sửa đổi liên quan đến việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh và bổ sung một số tội danh liên quan đến các lĩnh vực như tội phạm về môi trường, an toàn thực phẩm và ma túy. Đồng thời, dự thảo cũng sửa đổi một số quy định tại Luật này liên quan đến các luật khác.

Đi vào nội dung cụ thể, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho biết, hiện nay, theo dự thảo Luật hiện hành có 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, chúng ta không nhất thiết phải duy trì hình thức xử phạt tử hình này nên dự thảo đã bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Nội dung này hoàn toàn đáp ứng được mục đích bảo đảm sự cách ly vĩnh viễn của người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu trong việc phòng ngừa, đấu tranh tội phạm. Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật nên có sự rà soát liên quan đến Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá và các luật liên quan để bảo đảm tính tương thích, thống nhất giữa các dự án luật, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện thời gian tới.

Theo đại biểu, thực tế hiện nay, một số những tội phạm tội về kinh tế tham nhũng, chủ trương của Đảng và Nhà nước với mục tiêu là thu hồi tối đa tài sản bảo đảm tính nhân văn và phù hợp với xu thế của thế giới. Việc bổ sung hình phạt tù chung thân xét giảm án xuống là hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Trong dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung đối với trường hợp không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS. Đại biểu cho rằng, quy định này là hoàn toàn phù hợp, bảo đảm tính nhân văn của nhà nước và việc quy định này rất thuận lợi để các đối tượng không bị áp lực tinh thần nặng nề.

Thời gian qua, cơ quan công an đã điều tra về tình trạng sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả về lương thực thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, các loại thực phẩm chức năng, sữa giả hiện đang gây dự luận rất hoang mang và tác động rất lớn tới đời sống xã hội.

"Đây là những vụ án lớn với số lượng hàng hóa khổng lồ. Điều này cho thấy, công tác quản lý nhà nước và những quy định pháp luật liên quan, công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, cũng như sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước còn những hạn chế, bất cập nên đã diễn ra tình trạng các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn đưa vào đời sống xã hội, gây áp lực rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Trong khi đó, hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng đã ngày càng gây tâm lý bất an cho người dân”, đại biểu chỉ rõ.

Trong dự thảo Luật lần này đã đưa ra sửa đổi các quy định liên quan đến các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng giả lương thực thực phẩm, sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú ý và tội phạm về an toàn thực phẩm. Đại biểu Đặng Bích Ngọc hoàn toàn đồng tình với việc nâng mức phạt đối với các tội danh này để tạo tính răn đe và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, người tiêu dùng, nhất là không cho các đối tượng có cơ hội vi phạm lần nữa, giúp cho việc quản lý xã hội được tốt hơn và giúp người dân yên tâm hơn. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần cân nhắc để quy định các hình phạt bảo đảm được mức răn đe và bảo đảm tối đa việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Nhiều khó khăn trong thi hành án tử hình, đại biểu kiến nghị điều chỉnh quy trình

Theo kết quả khảo sát tại tỉnh Hòa Bình, hiện có 74 người bị kết án tử hình đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa đủ điều kiện thi hành án, đang thuộc diện giam giữ. Trong đó, 22 người chưa có quyết định không kháng nghị của TAND tối cao hoặc Viện KSND tối cao; 7 người chỉ có quyết định không kháng nghị của TAND tối cao; 15 người chưa có quyết định không kháng nghị của cả hai cơ quan nêu trên. Đáng chú ý, 52 ngườiđang chờ quyết định bác đơn xin ân giảm hoặc quyết định ân giảm của Chủ tịch nước. Tình trạng này đang gây áp lực lớn lên hệ thống giam giữ tại địa phương, nhất là về cơ sở vật chất, nhân lực quản lý và bảo đảm an ninh, trật tự. Trước thực trạng trên, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung, điều chỉnh quy trình thủ tục thi hành án tử hình trong Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) theo hướng rút gọn, minh bạch và khả thi hơn. Việc này nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đồng thời góp phần bảo đảm hiệu quả, nghiêm minh của công tác thi hành án hình sự.

Chú trọng nâng cao năng lực của điều tra viên

Góp ý vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự, đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự trong bối cảnh hiện nay. Việc sửa đổi này đáp ứng yêu cầu khi thực hiện tinh giản bộ máy, đặc biệt tới đây khi cơ quan điều tra đã kết thúc hoạt động của cơ quan cấp huyện và có TAND khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực. Công an xã sẽ trực tiếp là đầu mối ban đầu thực hiện công tác điều tra đối với những vụ việc đơn giản mà để tạo điều kiện trong thời gian tới việc giải quyết ngay các vụ án, vụ việc ở ngay cấp cơ sở. Do vậy việc sửa đổi dự án Luật này là hoàn toàn phù hợp.

Góp ý vào nội dung cụ thể tại Điều 37 về trách nhiệm, quyền hạn của điều tra viên. Tại khoản 2 có quy định điều tra viên là Trưởng công an cấp xã hoặc Phó trưởng công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và điểm a, c khoản 1, khoản 2 Điều 36 Bộ Luật này.

Theo đại biểu, việc quy định trách nhiệm điều tra viên là Trưởng hoặc Phó trưởng công an cấp xã thực hiện công tác điều tra giai đoạn ngay từ khâu đầu tiên đối với những vụ án, vụ việc xảy ra trên địa bàn mà ít nghiêm trọng là hoàn toàn đáp ứng, phù hợp với bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang thực hiện mô hình tổ chức không có cơ quan điều tra ở cấp huyện (chỉ có ở cấp tỉnh). Nếu đưa tập trung lên hết cấp tỉnh những vụ án ít nghiêm trọng thì khi tỉnh xuống điều tra sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc quy định điều tra viên là Trưởng hoặc Phó trưởng công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ này là phù hợp. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này thì cần quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ, bố trí những cán bộ có chuyên môn, năng lực và khả năng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt trong phối hợp để xử lý các vụ án, vụ việc sẽ rất thuận lợi cho việc phối hợp với cơ quan của Viện kiểm sát, Tòa án và cơ quan thi hành án để tổ chức được thuận lợi.

Về ủy thác điều tra tại Điều 1 của dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 171 quy định "Cơ quan điều tra được ủy thác phải thực hiện đầy đủ những việc được ủy thác trong thời hạn mà Cơ quan điều tra ủy thác yêu cầu...”. Có thể hiểu là thời hạn thực hiện ủy thác không do pháp luật ấn định cụ thể, mà phụ thuộc vào quyết định của cơ quan điều tra ủy thác. Điều này tạo ra sự linh hoạt nhưng cũng dẫn đến những hệ quả tiêu cực nếu không được kiểm soát tốt. Đại biểu đề nghị cần phải có những quy định về thời gian phù hợp để thực hiện việc ủy thác, bảo đảm được quy trình, quy định thuận tiện trong công tác điều tra nhưng vẫn phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Về niêm yết bản kết luận điều tra, cáo trạng, tại khoản 16 và khoản 19, Điều 1 của Dự thảo luật, quy định về niêm yết bản kết luận điều tra, cáo trạng (sửa đổi, bổ sung Điều 232, Điều 240). Đại biểu cho rằng, quy định mới về việc yêu cầu niêm yết bản kết luận điều tra, cáo trạng tại UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của bị can nếu bị can bỏ trốn là cần thiết. Tuy nhiên, qua khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiền đề nghị cần quy định rõ hơn về thẩm quyền của cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện việc niêm yết, thời hạn niêm yết là bao nhiêu? Điều này để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chúng ta thực hiện quy trình nhưng vẫn bảo đảm đúng thẩm quyền của cơ quan và thời gian theo quy định.


Bùi Hiển 

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hòa Bình