Cán bộ Tỉnh Đoàn, Công an tỉnh và các doanh nghiệp viễn thông ra quân hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt, sử dụng các dịch vụ số tại khu vực chợ Phương Lâm, thành phố Hòa Bình.
Tiền đề xây dựng công dân số
"Bình dân học vụ số” là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Kế thừa, phát huy tinh thần phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên số, "Bình dân học vụ” đã khoác lên mình tấm áo mới - "Bình dân học vụ số”. "Bình dân học vụ số" chính là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giúp mọi tầng lớp nhân dân, từ học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân đến cán bộ, công chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang có thể tiếp cận công nghệ số, ứng dụng kỹ năng số trong cuộc sống và công việc, trong thực thi nhiệm vụ.
Ngày 18/11/2024, tại buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, một trong những công việc cần làm ngay, đó là phát động thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số”. Đưa phong trào "Bình dân học vụ số" trở thành phong trào thường xuyên, liên tục và phát triển sâu rộng, đều khắp, trở thành bước đột phá trong nâng cao nhận thức và kỹ năng số, đặc biệt chú trọng cho các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, hoặc chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ. Đây không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, mà hơn hết, người dân chính là chủ thể, cần chủ động học hỏi, sẵn sàng chia sẻ, ứng dụng tri thức số, cùng xây dựng một xã hội tiến bộ trong kỷ nguyên mới.
Ngày 15/5/2025, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Ngày hội CĐS và Lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số” năm 2025. Tại lễ phát động, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu: Trong bối cảnh CĐS đang trở thành xu hướng tất yếu, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Phong trào "Bình dân học vụ số” ra đời với mục tiêu giúp nông dân có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số…
Cũng tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Ứng dụng CĐS vào sản xuất, đời sống là xu thế tất yếu. Nhưng CĐS là hành trình lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, phong trào "Bình dân học vụ số” cần được triển khai thường xuyên để CĐS thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ người dân một cách thiết thực...
Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị
Huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào quá trình CĐS, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, tổ chức trên địa bàn tỉnh đều có kế hoạch triển khai cụ thể. Trong đó, Tỉnh Đoàn tích cực thành lập các đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân. Tính đến tháng 5/2025 đã có hơn 1.000 đoàn viên tham gia các hoạt động huấn luyện, hướng dẫn thực tế tại 151 xã, phường, thị trấn.
Đồng chí Nguyễn Duy Tư, Bí thư Tỉnh Đoàn chia sẻ: Ngay trong lễ phát động, Tỉnh Đoàn cùng Công an tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ số tại khu vực chợ Phương Lâm, TP Hòa Bình. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, hội viên và thanh niên về phong trào "Bình dân học vụ số”. Thành lập các đội hình "Bình dân học vụ số” do thanh niên làm nòng cốt tại địa phương, xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và các kỹ năng số thiết yếu. Tỉnh Đoàn cũng chủ trì phối hợp VNPT Hoà Bình phát động 30 ngày cao điểm triển khai chữ ký số VNPT SMART CA. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị… Chúng tôi coi đây là cơ hội để tuổi trẻ góp sức vào một cuộc cách mạng học tập mới. Không chỉ hướng dẫn kỹ thuật, đoàn viên còn giúp bà con thấy được giá trị của tri thức số trong cuộc sống hàng ngày.
Tham gia phong trào "Bình dân học vụ số", Công an tỉnh xác định CĐS không chỉ là giải pháp công nghệ mà là nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân là trọng tâm. "CĐS là của toàn dân - không ai bị bỏ lại phía sau”. Thành công là khi người dân cảm thấy tiện lợi, tự tin sử dụng VNeID và các dịch vụ công trực tuyến. Thông điệp "Một chạm là xong” được lực lượng Công an lan tỏa mạnh mẽ, với cam kết đưa công nghệ phục vụ người dân một cách thiết thực, góp phần xây dựng chính quyền số và xã hội số tại Hòa Bình.
Phong trào "Bình dân học vụ số” không chỉ dừng lại ở việc dạy sử dụng điện thoại, mà còn mở đường cho phát triển kinh tế số nông thôn. Phong trào phải trở thành nhu cầu tự thân, phong trào của chính nhân dân chứ không chỉ là chương trình của nhà nước. Nghị quyết số 57-NQ/TW đã vạch ra một lộ trình dài hơi, nhưng bước đi đầu tiên bao giờ cũng gian nan. Những kết quả bước đầu tại Hòa Bình cho thấy, CĐS không đơn thuần là trang bị máy tính hay phần mềm, mà là một cuộc cải cách sâu sắc về tư duy, tổ chức và con người. Trong giai đoạn tới, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành tái cấu trúc toàn bộ hạ tầng CNTT của các cơ quan Đảng theo hướng điện toán đám mây, triển khai 100% nền tảng số do Trung ương chuyển giao vào năm 2027, hoàn thiện Trung tâm tích hợp dữ liệu của Tỉnh ủy vào năm 2028.
Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Phong trào "Bình dân học vụ số” với mục tiêu phổ cập kỹ năng số cơ bản đến mọi người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số.
Để phong trào "Bình dân học vụ số” không chỉ là một chiến dịch ngắn hạn, mà trở thành nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, thực sự lan tỏa sâu rộng và bền vững, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo triển khai một số nhóm giải pháp trọng tâm: Đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn kỹ năng số thiết thực tới người dân. Tổ chức đội hình tình nguyện hỗ trợ CĐS tại thôn, bản, tổ dân phố; phát huy vai trò hạt nhân của đoàn viên thanh niên, giáo viên, chiến sỹ công an, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thôn, bản trong phổ cập kỹ năng số. Tăng cường phối hợp các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ để phát triển hạ tầng và nền tảng số phục vụ nhân dân. CĐS không thể thành công nếu chỉ từ trên xuống, mà cần sự tham gia tích cực của từng người dân, từng cộng đồng. Tỉnh kêu gọi mỗi cán bộ, đoàn viên, giáo viên, chiến sỹ, mỗi gia đình, mỗi người dân… hãy trở thành một "hạt giống số”, cùng nhau lan tỏa tri thức, lan tỏa công nghệ, để mọi người dân Hòa Bình đều có thể "học số - hiểu số - dùng số - sống số”…
(Còn nữa)
Hương Lan